MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ người lao động

Nhóm PV LDO | 29/03/2024 11:47

Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề cấp thiết và mang tính lâu dài. Đây là nhân tố quan trọng trong bảo đảm chất lượng cuộc sống. Do vậy, thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã có các chương trình, giải pháp bảo vệ môi trường, tạo tiền đề cho phát triển bền vững về kinh tế.

Luôn đồng hành cùng chuyên môn và cán bộ công nhân viên trong công tác bảo vệ môi trường

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Văn Minh - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Công đoàn Điện lực Việt Nam, với định hướng trở thành doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, "sản xuất an toàn và xanh, sạch", thời gian qua, Công đoàn Điện lực Việt Nam rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Trong thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đã ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường trong tập đoàn - theo Quyết định số 108 ngày 28.7.2022 để cập nhật, đồng bộ các quy định mới và thống nhất thực hiện trong toàn tập đoàn.

EVN đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn để tiếp tục phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện các quy định mới của các đơn vị trong thời gian qua.

"Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng các thiết bị, máy sản xuất nhập khẩu lại đa số là những máy móc của thế hệ trước, mức tiêu thụ điện năng cao. Để đáp ứng nhu cầu điện năng, EVN và các doanh nghiệp đã phải đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện (nhiệt điện than, nhiệt điện khí), thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Các loại nguồn điện này có tác động nhất định đến môi trường sinh thái nói chung.

Trong quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất, truyền tải điện năng, để giảm sự tác động xấu đến môi trường sinh thái, đòi hỏi các nhà đầu tư, nhà quản lý, cán bộ công nhân viên trong ngành phải có ý thức bảo vệ môi trường. Công đoàn Điện lực Việt Nam luôn đồng hành cùng chuyên môn và cán bộ công nhân viên trong công tác bảo vệ môi trường", ông Minh nói.

Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề cấp thiết và mang tính lâu dài. Ảnh: EVN

Cũng theo ông Minh, trong những năm qua, EVN rất tích cực hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất. Đây một trong những sự kiện thường niên toàn cầu về bảo vệ môi trường, với sự hưởng ứng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Chiến dịch Giờ Trái đất đã tạo sự chuyển biến rất lớn về nhận thức cũng như trong hành động của người dân trên thế giới trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Sự kiện Giờ trái đất năm 2024 tại Việt Nam diễn ra với thông điệp "Tiết kiệm điện - thành thói quen" được gửi đến cộng đồng với lời kêu gọi thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Qua số liệu về mức tiêu thụ điện toàn quốc, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất 2024 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 23.3.2024), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 858,9 triệu đồng).

Nâng cao kiến thức của công nhân thu gom trong phân loại rác thải nhựa

Rác thải nhựa hiện đang là vấn đề toàn cầu, trong đó có cả của Việt Nam. Chỉ riêng tại thủ đô Hà Nội, mỗi ngày có 7000-7500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, trong đó có 8-12% rác thải nhựa, giấy.

Hiện nay, công việc của công nhân môi trường khá vất vả, tập trung vào việc làm sạch các tuyến đường, tuyến phố, mật độ dân cư đông, lượng rác phát sinh hằng ngày lớn. Khối lượng công việc nhiều khiến công tác thu gom phân loại rác thải gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là rác thải nhựa.

Hoặc nếu có phân loại, hiện nay vẫn có tình trạng người thu rác tái chế tự do bới, nhặt lại rác tái chế tại các thùng rác, thường xuyên gây nên tình trạng bừa bãi xung quanh khu vực vừa nhặt rác tái chế, gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị.

Theo bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), việc nâng cao kiến thức của công nhân thu gom rác là cần thiết để nâng cao hiệu quả thu gom, bảo vệ môi trường.

Cụ thể, bà Hạnh đưa ra một vài giải pháp như phân biệt các loại nhựa phổ thông bằng cách: xem ký hiệu tại đáy hoặc thân; phân biệt dựa trên màu sắc tự nhiên, độ trong suốt của mẫu; so sánh tính chất nhiệt (đơn giản là đốt): nếu châm bật lửa đốt, không có mùi khét thì đấy là PE, HDPE hay PP, nhựa PET, ABS cháy với ngọn lửa có khói đen và có mùi khét, còn nhựa PVC không cháy thành ngọn lửa; kiểm tra độ cứng của nhựa.

Bà Hạnh cũng nhấn mạnh, rác thải nhựa rất khó phân hủy vì vậy việc phân loại là rất cần thiết. Bởi, quản lý và tái sử dụng hợp lý sẽ mang lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm nguyên liệu hóa thạch, đồng thời góp phần vào việc phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn