MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh Quochoi.vn

Bảo vệ nhân phẩm, danh dự của người lao động Việt Nam ở nước ngoài

Vương Nguyên Chung LDO | 21/05/2020 18:43
Dự án luật phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần xây dựng hình ảnh của người lao động nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Chiều 21.5, tại Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi);

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, hoạt động người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mục đích của việc sửa đổi luật lần này, đó là tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm tương thích giữa pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với pháp luật có liên quan của các quốc gia tiếp nhận lao động, các công ước quốc tế có liên quan đến lao động di cư.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng phải kịp thời bảo vệ, hỗ trợ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài trong xu thế dịch chuyển lao động quốc tế, lao động di cư và rủi ro phức tạp khó lường (như: chiến tranh, suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh COVID-19...).

Mặt khác, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ; minh bạch, loại bỏ và đơn giản thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, về quan điểm chỉ đạo, Luật phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần xây dựng hình ảnh của người lao động nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế; cung cấp các biện pháp cần thiết bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc, khi làm việc ở nước ngoài và sau khi trở về nước.

Bộ trưởng cho biết, so với Luật số 72 hiện hành, Dự thảo Luật có những sửa đổi, bổ sung cơ bản theo 6 nhóm chính sách sau đây:

Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;  Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Nhóm nội dung liên quan đến chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trình bày Thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) trước Quốc hội, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án luật.

Bà Thuý Anh cũng cho rằng, luật cần phải định hướng rõ việc phát triển hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm vì theo dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, nhưng có đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu… Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn