MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: L.S

Bảo vệ quyền lợi người lao động: Chuẩn hóa công tác thanh tra

LAM SƠN LDO | 29/08/2019 12:21

Ngành BHXH đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thanh tra kiểm tra (TTKT). Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác TTKT cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, BHXH các địa phương cần phối hợp với sở, ngành liên quan… để đảm bảo thực hiện tốt công tác TTKT, đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ).

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - nhấn mạnh như trên tại Hội nghị tập huấn phần mềm nghiệp vụ TTKT và kỹ năng trong hoạt động TTKT, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, diễn ra mới đây tại TPHCM.

Thanh tra hiệu quả, người lao động được lợi

Ông Trần Đức Long - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra - cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, hệ thống BHXH 63 tỉnh thành đã TTKT chuyên ngành được gần 3.000 đơn vị sử dụng lao động (đạt 52% kế hoạch); kiểm tra được khoảng 4.000 đơn vị sử dụng lao động (đạt 97% kế hoạch); công tác TTKT tra liên ngành cũng đã được tiến hành tại 2.686 đơn vị (đạt 64% kế hoạch). Ngoài ra, còn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đơn vị sử dụng lao động, TTKT liên ngành đột xuất tại 2.673 đơn vị; BHXH các tỉnh, thành cũng đã ban hành tới 393 quyết đinh xử phạt vi phạm hành chính.

Từ công tác TTKT, hệ thống BHXH các tỉnh, thành đã phát hiện được số lượng lớn lao động chưa được đóng BHXH, đóng thiếu thời gian hoặc đóng thiếu mức đóng. Cụ thể, 16.532 lao động chưa được đóng, đóng thiếu thời gian; 1.180 lao động đóng sai, thừa thời gian như Bình Dương phát hiện 3.637 lao động, TPHCM 1.774 lao động, Long An phát hiện 1.377 lao động… Kết quả này đã đem lại sự tin tưởng, phấn khởi cho hàng nghìn người lao động (NLĐ) vì giúp họ đảm bảo được các quyền lợi cơ bản về BHXH, BHYT.

Theo ông Long, một số tỉnh, thành đã thực hiện đôn đốc kết luận TTKT đạt hiệu quả cao như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Cà Mau đốc thúc người sử dụng lao động truy đóng BHXH, BHYT cho NLĐ đạt 100% số phải thu. Tại các tỉnh như Đắk Lắk, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, tỉ lệ lập biên bản vi phạm hành chính cũng đạt số lượng cao so với số đơn vị được thanh tra chuyên ngành…

Bên cạnh đó, công tác TTKT cũng còn một số hạn chế như nhiều BHXH tỉnh, thành triển khai công tác TTKT còn rất chậm, thậm chí có tỉnh chưa triển khai. 7 tháng đầu năm nhưng có 45 tỉnh, thành mới TTKT đạt đưới 60% kế hoạch được giao. Việc đôn đốc thực hiện các kết luận TTKT chưa thường xuyên và chưa có giải pháp quyết liệt. Tỉ lệ thực hiện kết luận thanh tra còn hạn chế, đặc biệt là việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp.

Hơn nữa, dù đã có khá nhiều quy chế phối hợp giữa BHXH với các ngành công an, Thuế, Công đoàn địa phương, Thanh tra nhà nước, Sở Y tế nhưng hiệu quả của công tác phối hợp còn thấp, chủ yếu mới là phối hợp với Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Thanh tra nhà nước…

Cần cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành lớn

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng quy định pháp luật hoặc cơ chế trong công tác TTKT cần có thay đổi để phát huy hiệu quả, đặc biệt phù hợp với những địa phương đặc thù.

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TPHCM - nói rằng, các văn bản quy phạm pháp luật cũng như hướng dẫn của ngành BHXH về công tác TTKT đưa ra làm căn cứ thực hiện về cơ bản là xác đáng, phù hợp với đại đa số địa phương. Tuy nhiên, thực tế ở một số tỉnh, thành, công tác còn có rất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh ngoài dự kiến. Cụ thể là tại TPHCM, hiện nay công tác thanh tra chuyên ngành chỉ bó hẹp trong phạm vi những người được giao thẩm quyền làm trưởng đoàn, như Trưởng phòng TTKT, Thu, Khai thác thu nợ (ngoại trừ giám đốc, phó giám đốc).

“Trên thực tế, TPHCM là một địa bàn rộng, tình trạng vi phạm luật BHXH, BHYT rất nhiều. Vì vậy, cần phân cấp cho giám đốc, kể cả phó giám đốc BHXH quận huyện được làm trưởng đoàn thanh tra. Trên thành phố (TP) thì có thể xem xét phân cấp cho các phó trưởng phòng của các phòng nghiệp vụ có liên quan đến công tác làm trưởng đoàn. Có như vậy mới đáp ứng được thực tiễn yêu cầu công tác. Ngoài ra, cũng nên cho phép các tỉnh, TP được phép thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành nhiều hơn nữa, vì qua thời gian thực tế triển khai đã cho thấy hiệu quả rất tốt, linh hoạt hơn so với thanh tra liên ngành”, ông Mến nêu ý kiến. Cũng theo ông Mến, hiện nay chữ ký số giao trưởng phòng TTKT thực hiện khá nhiều, nên giao bớt thẩm quyền ký này cho phó phòng vì trưởng phòng làm không xuể…

Ông Trần Đức Long cho biết thêm, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác TTKT, mới đây Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 999 ngày 8.8.2019 phê duyệt phần mềm TTKT phiên bản 1.0. Đây là tiền đề để các tỉnh, thành bắt tay vào áp dụng, triển khai nhằm đẩy nhanh việc chuẩn hóa, hiện đại hóa công tác TTKT nhằm đem đến kết quả cao.

“Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra BHXH trong thời gian tới có thể sẽ nặng nề, khó khăn hơn. Bởi lẽ, có thể nhiệm vụ không chỉ bó hẹp trong chức năng thanh tra chuyên ngành đóng nữa, mà hiện nay tình trạng trục lợi, vi phạm liên quan đến nhiều chế độ BHXH, chính sách BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh... Bên cạnh chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống thanh tra BHXH, thực tiễn này đòi hỏi thanh tra ngành BHXH phải có thêm những nhiệm vụ mới, đa dạng hơn” - ông Trần Đức Long khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn