MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với sự phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN và BHXH Việt Nam, quyền lợi của CNLĐ được đảm bảo hơn. Ảnh minh hoạ: X.T

Bảo vệ tốt hơn quyền được tham gia và hưởng BHXH của người lao động

HÀ NGUYÊN thực hiện LDO | 28/09/2018 07:28

Những năm qua, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, Tổng LĐLĐVN đã tăng cường phối hợp với BHXH Việt Nam trong công tác giám sát, thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Trao đổi với PV Báo Lao Động về hoạt động phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐVN, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XII Đào Việt Ánh cho biết:

- Trên cơ sở các Quy chế phối hợp số 1619/QCPH-TLĐ-BHXH ngày 27.4.2012 và Quy chế phối hợp số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH ngày 29.7.2015 được ký kết giữa BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐVN, trong 5 năm qua (từ 2014 - 2018), Tổng LĐLĐVN đã phối hợp với Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam và các cơ quan khác như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ tổ chức các Đoàn giám sát liên ngành giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH đối với 69 DN trên địa bàn 24 tỉnh, thành phố. Năm 2018, thực hiện Quyết định số 1261/QĐ-TLĐ ngày 12.7.2018 của Tổng LĐLĐVN, các Đoàn giám sát liên ngành đang tiếp tục tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH tại 18 DN trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Long An, Vĩnh Long.

Trước đó, năm 2014 - 2015, Đoàn giám sát liên ngành về BHXH giám sát tại 28 DN trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp và An Giang). Năm 2016, Đoàn tiến hành giám sát tại 9 DN trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương). Năm 2017, Đoàn giám sát tại 14 DN trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố (Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Cà Mau).

Thông qua hoạt động giám sát liên ngành đã giúp các cơ quan chức năng phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý của chính sách BHXH, đánh giá rõ ràng tình hình vi phạm pháp luật BHXH của các DN, trong đó nổi bật là tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH. Kết thúc giám sát, Đoàn giám sát liên ngành đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng, các cơ quan lập pháp và tư pháp có liên quan xem xét, có các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng và nợ, chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động, xử lý theo quy định của pháp luật và trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý những hành vi vi phạm pháp luật BHXH trong thực hiện các chế độ, chính sách BHXH liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong các DN, bảo vệ tốt hơn quyền được tham gia và hưởng BHXH của NLĐ; thường xuyên trao đổi kịp thời, thông báo, cảnh báo và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp để giải quyết, xử lý tình hình vi phạm của các DN trong thực hiện các chính sách về BHXH.

- Trong việc khởi kiện DN nợ BHXH, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐVN đã thực hiện những hoạt động nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?

- Tháng 9.2016, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng LĐLĐVN ký quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu giữa hai bên trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo quy chế, cơ quan BHXH có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức CĐ danh sách các đơn vị nợ BHXH cần khởi kiện, hồ sơ xác định nợ và các tài liệu khác có liên quan để phục vụ việc khởi kiện.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Quy chế, việc phối hợp giữa cơ quan BHXH và tổ chức CĐ đã đạt một số kết quả nhất định như cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp 2.909 hồ sơ đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH cho CĐ cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện (riêng năm 2018 là 887 hồ sơ), LĐLĐ tỉnh đã nộp 126 hồ sơ khởi kiện cho Tòa án, 4 vụ việc đã có quyết định công nhận thỏa thuận của Tòa án (hòa giải thành), với tổng số tiền đã trả nợ sau hòa giải là 1,32 tỉ đồng (riêng năm 2018 là 696 triệu đồng).

Cơ quan BHXH và tổ chức CĐ đã tích cực phối hợp đôn đốc, thuyết phục các đơn vị sử dụng lao động trả nợ. Kết quả, nhiều đơn vị đã chủ động khắc phục hết nợ hoặc cam kết trả nợ theo lộ trình. Tính đến cuối tháng 7.2018 đã có 986 đơn vị nợ tiền BHXH nộp hết số tiền nợ, 883 đơn vị đã khắc phục một phần số nợ với tổng số tiền thu được là 878 tỉ đồng.

LĐLĐ và BHXH một số tỉnh, thành phố đã chủ động tích cực thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ như thành lập Tổ giám sát và tiến hành giám sát tình hình DN nợ BHXH trước khi lập hồ sơ khởi kiện; thành lập Hội đồng Chỉ đạo và thực hiện khởi kiện; gửi thư nhắc nợ, thành lập đoàn Thanh tra chuyên ngành, chuyển danh sách các đơn vị nợ cho cơ quan Thuế để điều chỉnh chi phí hoạt động của DN khi quyết toán thuế hàng năm.

- Theo ông, để tổ chức CĐ có thể thực hiện tốt quyền khởi kiện, Luật BHXH nên được sửa như thế nào?

- Những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong khi tổ chức CĐ thực hiện khởi kiện đơn vị nợ BHXH đã được BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐVN báo cáo kịp thời và được Chính phủ lắng nghe, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ. Tại các cuộc họp liên ngành giữa Tổng LĐLĐVN, BHXH Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao và các bộ, ngành có liên quan, vấn đề quyền khởi kiện của cơ quan BHXH, khó khăn khi tổ chức CĐ khởi kiện đã được thảo luận, xem xét.

Căn cứ tình hình khởi kiện trong thời gian vừa qua, theo chúng tôi, để tổ chức CĐ có thể thực hiện tốt quyền khởi kiện cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như đề nghị điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH (hiện nay đang quy định cho CĐ cơ sở thực hiện); tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của hệ thống cán bộ CĐ đảm nhiệm công tác khởi kiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH các cấp để nắm bắt thông tin, hỗ trợ thực hiện việc khởi kiện. Nâng cao vai trò của tổ chức CĐ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ, tập thể NLĐ; đề nghị tổ chức CĐ phối hợp với cơ quan BHXH các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động; nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân NLĐ.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn