MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân dù đã làm việc lâu năm trong một doanh nghiệp may nhưng vẫn cảm thấy công việc bấp bênh, không ổn định. Ảnh minh họa: QUẾ CHI

Bấp bênh việc làm của công nhân may

BẢO HÂN LDO | 04/09/2019 17:00

Hiện nay, bên cạnh nhiều công nhân (CN) luôn phải sống trong lo lắng vì sợ mất việc làm, còn có nhiều người mặc dù không muốn làm công việc hiện tại nhưng vẫn phải làm vì không có sự lựa chọn nào khác tốt hơn.

Không thấy cơ hội khác

Chị Đỗ Thanh H (CN may tại KCN Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ) có hoàn cảnh hết sức khó khăn, éo le. Chồng chị mất đã lâu, để lại cho chị hai con nhỏ, một cháu năm nay 7 tuổi, cháu còn lại 4 tuổi. Cả gia đình trông chờ vào thu nhập của chị: Khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, mặc dù đã dè sẻn hết mức có thể, đến mua cái dép cho con cũng phải cân nhắc, chị vẫn thường rơi vào cảnh “thiếu trước, hụt sau”.

Tuy cuộc sống khó khăn nhưng chị dường như không nhìn thấy một cơ hội nào khác để thay đổi, cải thiện thu nhập của gia đình. “Đôi khi tôi cũng muốn nghỉ việc để chuyển chỗ khác nhưng suy đi tính lại, chỗ này gần nhà, rồi nghĩ chắc làm ở đâu cũng thế, nên thôi”.

Chị H cho biết, có CN chuyển đi rồi, lại xin quay về vì lương ở Cty mới chỉ hấp dẫn một vài tháng đầu, sau đó lại thấp hơn ở Cty cũ. Tâm lý không ổn định công việc này ảnh hưởng tới sức khỏe của CN và cũng ảnh hưởng tới năng suất lao động, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của CN.

Công nhân may không được bảo vệ

Mới đây, tổ chức Oxfam cùng với Viện Công nhân - Công đoàn (CN-CĐ) thực hiện phỏng vấn hơn 88 CN ở 6 nhà máy trong lĩnh vực may mặc thuộc 4 vùng lương, 6 cuộc thảo luận nhóm ở nhà máy, 67 cuộc phỏng vấn sâu. Trong đó, nhóm thực hiện phỏng vấn 14 chuyền trưởng, 5 quản lý cấp cao, 38 cán bộ công đoàn, 6 cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; 1 cán bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 2 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia và 1 chuyên gia tiền lương, cùng với 14 nghiên cứu tình huống điển hình. Kết quả khảo sát này được tập hợp trong báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy”.

Theo kết quả khảo sát này, cứ 4 CN thì có một người luôn lo lắng vì sợ mất việc, mặc dù 49% CN được phỏng vấn cho biết họ không muốn làm CN may nhưng không có sự lựa chọn khác. 88% cảm thấy họ không có cơ hội để thay đổi nghề nghiệp tốt hơn. Một Cty được khảo sát có số lao động là 520 người, nhưng biến động hàng tháng có thể lên tới 50 người. Tỉ lệ biến động lao động trong các DN may qua khảo sát đều từ 8 - 10%. Chuyển việc vì lý do gia đình là nguyên nhân đầu tiên được nói tới khi được hỏi về lý do (40% CN được phỏng vấn) và lương thấp là lý do thứ hai khiến CN chuyển việc (15,5%).

Khảo sát này còn cho thấy một thực tế là hợp đồng lao động vẫn không đem lại sự bảo vệ cho CN may. Đa số CN (khoảng 90% những người được khảo sát) không biết về bậc tay nghề, thời giờ làm việc và các quy định nghỉ phép năm nêu trong hợp đồng lao động của họ. Theo nhận định trong báo cáo, việc CN thiếu hiểu biết về quyền của mình tạo lợi thế cho một hệ thống vận hành thông qua việc đe dọa chấm dứt việc làm của người sử dụng lao động bất kỳ lúc nào.

Hơn nữa, các doanh nghiệp đang sử dụng chiến thật ngầm để “sa thải” những người lao động (NLĐ) lớn tuổi, những người bị suy giảm sức khỏe, năng suất thấp và đang hưởng lương cao, để thay thế bằng CN trẻ, khỏe hơn, nhanh hơn và lương thấp hơn - một hiện tượng “thay máu” như chủ tịch CĐ một Cty may cho biết. Đây là một thách thức không chỉ về đảm bảo việc làm, mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của một bộ phận NLĐ chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng sức khỏe suy giảm và mất việc làm…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn