MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.Cần Thơ. Ảnh: NAM DƯƠNG

Bất cập trợ cấp học nghề khi thất nghiệp

NAM DƯƠNG LDO | 24/09/2019 09:45
Trong khi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư khoảng 80.000 tỉ đồng, thì trợ cấp học nghề khi thất nghiệp chỉ được tối đa 6 triệu đồng - một con số quá thấp so với số tiền kết dư cũng như học phí học nghề.

Quỹ dư nhiều, chi ít

Theo Đề án Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, qua 10 năm (2009 - 2018), hiện có gần 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm 25,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa so với dự kiến.

Quỹ BHTN đã hỗ trợ cho gần 5 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có đến 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Ông Trần Tấn Tú - Trưởng phòng BHTN, Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH - cho biết, với số lượng người tham gia BHTN như thế, đến nay, kết dư của Quỹ BHTN đã đạt gần 80.000 tỉ đồng, một con số rất lớn. Điều đáng nói, con số này gia tăng hàng năm và với chính sách BHTN như hiện nay thì sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Trong khi tiền kết dư từ Quỹ BHTN lớn như thế, thì từ nhiều năm qua, khoản tiền hỗ trợ cho việc học nghề của người tham gia BHTN vẫn không thay đổi. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động (NLĐ) đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc thì được hỗ trợ học nghề. Mức hỗ trợ này được cụ thể hóa tại Điều 3, Quyết định 77/2014/QĐ-TTg là tối đa 1 triệu đồng/người/tháng và tối đa là 6 tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.

Như vậy, mức tối đa về hỗ trợ học nghề đối với NLĐ khi tham gia BHTN chỉ là 6 triệu đồng, một con số quá khiêm tốn so với số tiền kết dư của Quỹ BHTN.

Cần tăng mức hỗ trợ học nghề

Không chỉ NLĐ, ngay cả doanh nghiệp cũng rất khó khăn khi tiếp cận với Quỹ BHTN để được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Mặc dù pháp luật có quy định về việc doanh nghiệp khi gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động và có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, theo ông Tú, thực tế đến nay chưa có doanh nghiệp nào được hưởng chính sách này vì điều kiện quy định quá chặt chẽ khiến cho doanh nghiệp khó được hưởng chính sách này, dù đã đóng góp kinh phí vào Quỹ BHTN theo quy định của pháp luật.

Tại Hội thảo “Truyền thông về việc làm với các cơ quan báo chí” do Cục Việc làm phối hợp với Tạp chí Lao động - Xã hội tổ chức ở Cần Thơ ngày 17-18.9, có ý kiến đề nghị cần tăng mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ. Vì với mức tối đa 6 triệu đồng như hiện nay, NLĐ sẽ khó học được nghề tốt để sớm quay lại thị trường lao động, ổn định việc làm như mục tiêu của chính sách BHTN.

Ông Lê Quang Trung - Cục phó Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH - nhìn nhận kiến nghị trên là hợp lý và cho biết, hiện Bộ LĐTBXH đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ để sớm tăng mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ tham gia BHTN. Bên cạnh đó, có ý kiến cũng cho rằng cần kiến nghị với Quốc Hội sớm sửa Luật Việc làm cho phép sử dụng khoản tiền kết dư 80.000 tỉ đồng này (và vẫn có thể gia tăng hàng năm) để xây dựng các trường nghề, chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho NLĐ. Nhất là trong bối cảnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đe dọa việc làm của những lao động giản đơn và cần lao động có tay nghề, kỹ thuật. Bởi lẽ, với số tiền kết dư 80.000 tỉ đồng như thế, việc xây dựng pháp luật, thiết kế chính sách cũng cần phải xem lại xem có phù hợp với thực tế hay không để điều chỉnh kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn