MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhóm trẻ độc lập hiện nay chỉ được tham gia BHXH tự nguyện với những quyền lợi bị hạn chế. Ảnh: Nguyên Thi

Bất cập trong đóng BHXH bắt buộc và tham gia BHXH tự nguyện

Thùy Trang LDO | 20/05/2024 05:45

Là chủ nhóm trẻ độc lập, đóng BHXH bắt buộc cho những giáo viên, người lao động mình thuê nhưng chính những cô giáo đang làm chủ lại chỉ được tham gia BHXH tự nguyện với nhiều quyền lợi bị hạn chế.

Làm chủ nhưng quyền lợi không bằng nhân viên

Công tác trong ngành giáo dục mầm non nhiều năm nay ở cả vị trí là người đi làm thuê và giờ là chủ một nhóm trẻ độc lập, cô Nguyễn Thị Như - Chủ tịch Nghiệp đoàn các lớp mầm non độc lập phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - cho biết, trước đây bản thân được tham gia BHXH bắt buộc. Đến năm 2023, cô Như phải chuyển sang đóng BHXH tự nguyện khi mở nhóm trẻ, ra làm chủ.

“Trong khi đó, tôi mở nhóm trẻ và nhiều người lao động của tôi được đóng BHXH bắt buộc, nhưng cá nhân chúng tôi không được quy định đóng BHXH bắt buộc. Trên địa bàn quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng hiện nay có 160 chủ nhóm cũng không được đóng BHXH như tôi” - cô Như cho hay.

Điều này khiến cô Như bị mất quyền lợi vì theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chủ nhóm trẻ độc lập tư thục không phải đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Khi chủ nhóm trẻ đăng ký tại địa phương sẽ được cấp giấy phép, họ thuê lao động có hợp đồng theo quy định thì người lao động sẽ được đóng BHXH bắt buộc nhưng riêng họ lại thuộc nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể thì nếu tham gia BHXH chỉ có thể là BHXH tự nguyện.

Trong khi đó, nhiều cô giáo vừa làm chủ nhưng cũng vừa làm công tác chuyên môn, giữ và dạy trẻ không khác gì một giáo viên bình thường. Tuy nhiên, vì chỉ được tham gia BHXH tự nguyện nên chế độ từ ốm đau, thai sản cho đến trợ cấp thất nghiệp… của họ đều không bằng với lao động được đóng BHXH bắt buộc.

Cô Nguyễn T, chủ một nhóm trẻ độc lập tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng chia sẻ: “Đơn cử như chế độ thai sản hiện nay chỉ dành lao động được đóng BHXH bắt buộc. Các cô giáo là chủ nhóm trẻ độc lập khi nghỉ sinh con không nhận được hỗ trợ gì cả. Còn với những chủ nhóm trẻ lớn tuổi, nếu được đóng BHXH bắt buộc, khi đóng đủ 20 năm thì họ có thể xin nghỉ hưu sớm trước 5 năm, vì công việc giáo viên mầm non nhiều áp lực, vất vả nhưng người đóng BHXH tự nguyện lại chưa có được quyền lợi này”.

Cô T cho rằng, về nguyên tắc BHXH nên được quy định theo diện mở, tạo điều kiện cho người lao động được tham gia và có quyền chọn lựa là tham gia bắt buộc hoặc tự nguyện trên nguyên tắc có đóng thì có hưởng.

Hoãn kế hoạch sinh con, chờ luật BHXH mới

Mới mở nhóm trẻ hơn 1 năm nay, khi đăng ký BHXH cho người lao động cô T mới biết bản thân phải chuyển qua BHXH tự nguyện, đồng nghĩa với việc không có chế độ thai sản, dù trước đó cô T từng công tác ở các đơn vị khác, được đóng BHXH bắt buộc gần 10 năm.

“Năm sau tôi có kế hoạch sinh con thứ 2 nhưng khi biết BHXH của mình chuyển qua tự nguyện sẽ không có thai sản, cả hai vợ chồng đều chần chừ. Mới mở nhóm trẻ, kinh tế còn khó khăn vì lớp chưa ổn định, nay không có trợ cấp thai sản, tôi sợ bản thân không gánh gồng được. Có thông tin rằng, dự thảo luật BHXH đang đề xuất cho những chủ hộ kinh doanh cá thể, bao gồm chủ nhóm trẻ độc lập thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc, tôi cũng chờ xem luật có được sửa đổi không rồi mới tính tiếp kế hoạch sinh con thứ 2” - cô T chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Như cũng mong rằng, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét góp ý bổ sung đối tượng chủ nhóm trẻ độc lập tư thục là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho các cô giáo. Bởi không phải cơ sở nào cũng đi thuê người về quản lý mà chính các cô giáo vừa làm chủ vừa làm chuyên môn và bản thân nghề giáo viên mầm non đã là một nghề vất vả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn