MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm tiêm thông báo tạm ngưng vì hết vaccine. Ảnh: X.An

Bắt đầu tiêm thì hết vaccine, người lao động lại chờ

ĐÌNH TRỌNG LDO | 09/08/2021 11:39

Tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh tiêm vaccine để tăng cường sức đề kháng dịch bệnh của người dân. Tuy nhiên, khi tiêm xong các đối tượng ưu tiên, đang bắt đầu tiêm cho công nhân lao động thì hết vaccine.

Bắt đầu tiêm cho công nhân thì hết vaccine

Đến ngày 9.8, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 27.600 ca mắc COVID-19. Tỉnh phát triển công nghiệp này đang đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc bắt F0 ra khỏi cộng đồng, mở rộng khu điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine với mục tiêu 100% người dân được tiêm.

Tỉnh Bình Dương có khoảng 2,6 triệu dân, trong đó trên 1,2 triệu công nhân lao động. Tuy nhiên đến nay, tỉnh mới tiếp nhận nguồn phân bổ từ Bộ Y tế khoảng 550.000 liều.

Hiện các đối tượng trong nhóm ưu tiên đã tiêm xong mũi 1. CDC Bình Dương đang triển khai tiêm cho người lao động ở vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Người lao động có tính di chuyển như tài xế chở hàng, nhân viên bưu chính, công nhân ở các công ty hoạt động theo phương án "3 tại chỗ"... được ưu tiên tiêm trước.

Vừa tiêm sang cho công nhân lao động thì hết vaccine. Ảnh: Đình Trọng

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại Thành phố Thuận An, Thủ Dầu Một khi vừa mới bắt đầu triển khai tiêm sang công nhân lao động thì hết vaccine. Ngày 8.8, nhiều người lao động đến các điểm tiêm được hẹn trước nhưng thất vọng ra về vì hết vaccine.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương - xác nhận, đơn vị đã phân vaccine về các tuyến huyện/thị xã/thành phố và tiêm gần hết 550.000 liều. Hiện chỉ còn một số ít ở các khu công nghiệp, trong ngày 9.8 sẽ tiêm hết. Theo ông Nguyễn Hồng Chương, hiện dịch bệnh ở Bình Dương còn diễn biến phức tạp ở doanh nghiệp và các nhà trọ.

Công nhân chờ vaccine

Việc vừa sản xuất, vừa phòng dịch, chi phí rất lớn về sức người, sức của trong thời gian kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương "kiệt sức". Phương án sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm" cũng chỉ là giải pháp tình thế. Doanh nghiệp buộc phải duy trì để đảm bảo việc làm cho người lao động và không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Nhưng chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí phòng dịch, sinh hoạt của người lao động... đang tiếp tục đè nặng lên ''đôi vai doanh nghiệp''.

Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến nghiêm trọng, doanh nghiệp và người lao động ở Bình Dương đang rất mong chờ sớm được tiêm vaccine để an tâm sản xuất.

Bà Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (tại Thành phố Dĩ An) - cho biết, công ty đang nỗ lực tăng cường sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" và "một cung đường 2 điểm đến". Việc thực hiện các biện pháp phòng dịch được triển khai hết sức nghiêm ngặt.

Nhưng về lâu dài, bà Nhung cho hay, công nhân lao động rất mong chờ được tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 để an tâm sản xuất. Hiện công ty đã gửi văn bản đăng ký và mong cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương tạo điều kiện cho người lao động được tiêm sớm.

Trong khi đó, ông Trịnh Anh Tuấn - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Hài Mỹ (Thành phố Thuận An) nói, công ty đang phải tạm dừng sản xuất vì dịch bệnh, đời sống của hơn 5.500 công nhân lúc này rất khó khăn. Để sớm trở lại sản xuất, công ty rất mong địa phương tổ chức tiêm vaccine cho người lao động.

Công nhân đến điểm tiêm nhận thông báo tạm ngưng. Ảnh: X.An

Tại phường An Thạnh, Thành phố Thuận An, hơn 8.000 công nhân Công ty TNHH Shyang Hung Cheng cũng phải ở nhà phòng dịch 20 ngày qua. Nhiều công nhân bắt đầu hết tiền và hết gạo tích trữ.

Đại diện Công đoàn công ty cho biết, chỉ có khoảng 100 nhân viên văn phòng ở lại làm "3 tại chỗ" được tiêm mũi 1. Một số công nhân ở trọ đến điểm tiêm nhưng báo lại hết vaccine. Công ty mong sớm được tiêm và điểm tiêm được tổ chức tại doanh nghiệp để kiểm soát số lượng, đảm bảo giãn cách.

Hỏa tốc xin thêm vaccine

Bình Dương đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh, tuy nhiên số lượng vaccine phân bổ về cho tỉnh còn thấp hơn một số tỉnh khác.

Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị xem xét hỗ trợ phân bổ thêm vaccine phòng COVID-19 để thực hiện tiêm cho khoảng hơn 2 triệu người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn