MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dạy tiếng Nhật cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Ảnh: M.Thắng

Bắt đầu tiếp nhận lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc

ANH THƯ LDO | 18/02/2022 12:25
Nhiều thị trường lao động như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... bắt đầu mở cửa trở lại đón lao động nước ngoài, trong đó có lao động người Việt Nam. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) hướng dẫn các doanh nghiệp dịch vụ phối hợp với bên tiếp nhận lao động để sắp xếp cho người lao động xuất cảnh.

Người lao động mòn mỏi chờ được “bay”

Theo hợp đồng, tháng 8.2020 chị Nguyễn Thị Ngân (24 tuổi, quê ở Phú Thọ) đã có thể xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Dịch COVID-19 khiến chị phải tạm hoãn đi làm việc ở nước ngoài. Mấy năm qua, chị Ngân luôn ngóng trông Nhật Bản mở cửa tiếp nhận lao động. Vẫn “gánh” một khoản nợ trên vai, trong thời gian chờ đợi, chị phải xin làm nhân viên bán quần áo các cửa hàng thời trang ở Hà Nội. Đôi khi muốn bỏ cuộc, nhưng tiếc công sức bỏ ra nên chị Ngân vẫn kiên trì chờ đợi.

Nắm bắt được thực trạng trên, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết, do tác động của dịch bệnh, nên nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước cũng bị ảnh hưởng. Người lao động trong nước đã phải chờ rất lâu.

“Việc chờ đợi này cũng ảnh hưởng rõ rệt đến tâm lý người lao động. Điều đáng nói, trong suốt thời gian này, nhiều người lao động không có việc làm, thu nhập. Nói chung qua khảo sát, một số người lao động đã xin đi làm, công việc ổn định nên có thể sẽ không tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, vẫn còn những lao động kiên trì chờ đợi. Bởi làm việc ở nước ngoài có mức lương cao hơn, điều kiện làm việc khá tốt, có thể học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghề sau này trở về làm việc trong nước” - ông Liêm nói.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. 45.058 lao động được đưa đi làm việc nước ngoài trong năm 2021. Với con số này, chỉ đạt 50,06% kế hoạch được giao năm 2021 (cụ thể là 90.000 lao động).

Năm 2022, dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến chính sách tiếp nhận của các nước. Vì vậy, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra của năm 2022 là đưa được 90.000 lao động đi làm việc nước ngoài. Khả năng thị trường lao động các nước mở ra thì Cục sẽ có hướng dẫn các doanh nghiệp đưa người lao động đi được làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới. 

Các thị trường đang rộng mở

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, năm 2022, một số thị trường lao động đi làm việc nước ngoài rộng mở, tạo cơ hội việc làm mới cho người lao động. Trong đó, các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… bắt đầu rục rịch tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.

Cụ thể,  kể từ ngày 15.2, lao động Việt Nam có thể nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc). Doanh nghiệp dịch vụ cần phối hợp với bên tiếp nhận lao động để sắp xếp cho người lao động xuất cảnh. Doanh nghiệp dịch vụ cần có Bảng kiểm tra kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 của công ty xuất khẩu lao động nước ngoài được Cục Quản lý lao động ngoài nước xác nhận khi làm visa cho người lao động.

Trước đó, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc đã họp và thống nhất chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình EPS, đồng thời, công bố một số chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài trong năm 2022. Theo thông tin từ Bộ Nhân lực Singapore, từ tháng 8.2021 đến tháng 8.2022, bộ này thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Singapore các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến dưới hình thức visa Work Permit.

Trong năm 2022, Cục này sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Bộ LĐTBXH yêu cầu duy trì, ổn định thị trường lao động truyền thống, từng bước mở rộng đối với những thị trường mới, thị trường tiềm năng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn