MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty TNHH Doosan Vina (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) lắp đặt dung dịch rửa tay đặt ở hơn 50 điểm ra vào tại DN. Ảnh PV

“Bắt tay” phòng ngừa dịch viêm phổi do virus Corona

Mai Dung LDO | 01/02/2020 15:49
Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp tại Hải Phòng gấp rút triển khai biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người lao động.

Đo nhiệt độ, đeo khẩu trang trước khi vào xưởng

Công ty TNHH Regina Miracle International (KCN VSIP) là doanh nghiệp (DN) có đông người lao động (NLĐ) nhất Hải Phòng với hơn 31.000 lao động. Theo Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Vũ Đình Phi, sáng 31.1, NLĐ bắt đầu trở lại lao động, sản xuất, bao gồm cả NLĐ Trung Quốc.

Đến sáng 31.1, có 91 lao động người Trung Quốc đã trở lại làm việc. Các trường hợp này đã được đo thân nhiệt, khai thác tiền sử tiếp xúc tại cổng nhà máy. Hiện, cả 91 người không sốt và không có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh và các trường hợp sốt, không có ai từ vùng dịch trở về khu VSIP. Các trường hợp đang ở chung cư, chưa xuống phân xưởng làm việc.

Cũng theo đại diện CĐ công ty, trong sáng 31.1, toàn bộ cán bộ, công nhân, lao động (CNLĐ) người nước ngoài được đưa về khu riêng biệt để kiểm tra, theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, công ty yêu cầu NLĐ đeo khẩu trang trong khi làm việc.

Chị Nguyễn Thị Thanh - công nhân may Công ty TNHH Regina - cho hay: “Việc công ty bố trí người nước ngoài ở khu vực biệt lập giúp lao động trong nước thêm yên tâm...”.

Không chỉ tại Công ty TNHH Regina, nhiều DN triển khai biện pháp tùy theo tình hình công ty. Cụ thể, sáng 31.1, Công ty TNHH Haeng sung Vina (KCN Tràng Duệ) trang bị máy đo nhiệt độ, phát khẩu trang miễn phí cho công nhân tại cổng nhà máy. Công ty TNHH Yazaki (KCN Nomura) lắp đặt bồn rửa tay trước cửa nhà xưởng, yêu cầu NLĐ đeo khẩu trang trước khi bắt đầu ca làm việc.

Tương tự, tại Công ty TNHH Doosan Vina (quận Hồng Bàng) triển khai lắp đặt khẩn cấp dung dịch sát khuẩn tay tại gần 50 vị trí làm việc trên phạm vi toàn nhà xưởng, nhất là khu vực cổng vào và nhà ăn. Khách đến giao dịch tại công ty được tiếp đón tại một phòng duy nhất và bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trong quá trình giao dịch...

Đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin

Ngoài giải pháp trực tiếp phòng ngừa dịch bệnh, nhiều công đoàn cơ sở (CĐCS) các DN cũng đăng tải, cập nhật thông tin về dịch bệnh qua trang web, mạng xã hội công ty để NLĐ nắm bắt, có biện pháp tự bảo vệ chính mình. 

Tại huyện Tiên Lãng, địa phương tập trung nhiều DN vốn đầu tư Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch LDLĐ huyện - cho biết: “Trong các DN vốn đầu tư Trung Quốc trên địa bàn, có Công ty Cổ phần Thuận Ích đã bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, các đơn vị còn lại bắt đầu làm việc từ ngày 3.2. Ngay trong ngày đầu làm việc, Công ty Thuận Ích tiến hành đo thân nhiệt NLĐ ngay từ cổng công ty. Các DN chưa trở lại hoạt động cũng chủ động thông tin về tình hình dịch bệnh tới NLĐ, lên phương án phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh, khử khuẩn nhà xưởng trước khi đón công nhân trở lại làm việc sau Tết”.

Còn theo bà Phạm Thị Hằng - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng - trong ngày 30.1, CĐ Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo các CĐCS đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới toàn thể CNLĐ, nhất là tại các DN có chuyên gia, lao động người Trung Quốc (chủ yếu tập trung tại KCN An Dương, Đồ Sơn). Các CĐCS phối hợp DN tiến hành biện pháp đo thân nhiệt, bố trí khu vực rửa tay, cấp phát khẩu trang cho công nhân. Trong trường hợp chưa trang bị kịp khẩu trang, CĐCS vận động, tuyên truyền để NLĐ tự trang bị để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng. 

“Các công ty cập nhật thường xuyên thông tin về việc đến, đi của chuyên gia, lao động người Trung Quốc, khuyến cáo lao động Trung Quốc, nhất là người sống tại vùng dịch tạm thời không quay lại Việt Nam làm việc...” - bà Phạm Thị Hằng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn