MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp Bến tàu Phú Quốc Trần Minh Nhàn (phải ảnh) trao tiền cho đoàn viên Nguyễn Chí Hiếu. Ảnh: LT

“Bến đỗ” của đoàn viên nghiệp đoàn bốc xếp bên bờ biển Tây

LỤC TÙNG LDO | 15/02/2022 13:22
Không chỉ chăm lo lúc gặp khó, Nghiệp đoàn bốc xếp Bến tàu Phú Quốc (Nghiệp đoàn), TP.Rạch Giá, Kiên Giang, còn có quy chế chăm lo đoàn viên (ĐV) đầy nhân văn trong đời thường.

Bình an giữa tâm bão dịch

“Nghĩa tình như bát nước đầy” - anh Nguyễn Chí Hiếu - ĐV Nghiệp đoàn - đã chia sẻ về việc được tiếp sức trong thời gian đỉnh dịch. Theo lời anh Hiếu, những ngày phải tạm ngừng việc để phòng chống dịch COVID-19 lần thứ 4, anh không có thu nhập, vợ lại ngã bệnh, 2 con còn nhỏ, cần tiền mua thiết bị học online... gia đình anh có “quý nhân” trợ giúp khi Chủ tịch Nghiệp đoàn Trần Minh Nhàn điện thoại thông báo trích quỹ tích lũy cho tạm ứng 5 triệu đồng để trang trải.

“Ngay sau khi biết tin, tôi đã điện thoại trao đổi trong Ban chấp hành Nghiệp đoàn và thống nhất trích quỹ tích lũy cho ĐV mượn để xoay xở việc nhà” - ông Nhàn chia sẻ. Việc cho mượn tiền ở đây cũng rất “lạ”: Người mượn tiền không cần thế chấp, thậm chí không cần lên tiếng vẫn được xét duyệt và mang tiền đến tận nhà. Đặc biệt người nhận không chỉ không phải chịu lãi suất mà còn được trả dần. “Đây là tiền tích lũy hằng ngày được ĐV thống nhất giao Nghiệp đoàn quản lý để cuối năm chia nhau mua sắm đón Tết” - ông Nhàn giải thích rõ. Theo đó, nếu đã tạm ứng trước, cuối năm sẽ trừ lại. Tuy nhiên, theo ông Nhàn, trong trường hợp ĐV có nhu cầu chính đáng, Nghiệp đoàn xin ý kiến tập thể cho phép trừ dần sau.

Nhờ cách làm sáng tạo, nhân văn này mà dù tạm ngừng việc 3,5 tháng, nhưng 6 ĐV có hoàn cảnh khó khăn đột xuất không chỉ ổn định về vật chất mà còn vững hơn về tinh thần trong những ngày dịch bùng phát. Bà Trần Thị Thu - Chủ tịch LĐLĐ TP.Rạch Giá - cho biết, nếu không có khó khăn đột xuất, thì 26 ĐV của Nghiệp đoàn không quá khó khăn trong suốt mùa dịch. Bởi trước đó Nghiệp đoàn đã có chính sách tiếp sức mang tính lâu dài khi duy trì thu nhập bình quân của ĐV ổn định trên 10 triệu đồng/người/tháng. “Nhờ lãnh đạo Nghiệp đoàn khéo lo, không chạy theo thành tích về phát triển số lượng, căn cứ nhu cầu công việc thực tế, Nghiệp đoàn quyết tâm duy trì số ĐV làm việc ở con số 26 để đảm bảo cho đoàn viên ổn định thu nhập” - bà Thu chia sẻ thêm.

Chăm lo nhân văn

Không đợi đến khi dịch bùng phát mà thường ngày, Nghiệp đoàn còn có cơ chế chăm lo lâu dài cho ĐV. Không chỉ trích quỹ tích lũy hỗ trợ nhiều chế độ bảo hiểm thiết thực như bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm sinh mạng... cho người đang làm việc mà còn chăm lo cho cả người hết tuổi lao động có hoàn cảnh đặc biệt.

Điển hình là trường hợp ông Hà Chúa. Sau khi hết tuổi lao động, ông Chúa về nhà, nhưng biết sức khỏe ông không tốt nên Nghiệp đoàn xét hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm. Nhờ vậy khi ngã bệnh ông có chế độ bảo hiểm y tế. Khi ông Chúa qua đời, gia đình ông nhận 20 triệu đồng từ nguồn bảo hiểm để chăm lo hậu sự. “Trước khi quyết định việc gì, chúng tôi đều đưa ra tập thể bàn, khi thống nhất mới thực hiện” - ông Nhàn chia sẻ. Bà Thu cũng cho biết thêm: Đáng chú ý nhất là việc Nghiệp đoàn thống nhất ưu tiên nhận con ĐV vào làm việc. Điều này không chỉ giải quyết việc làm cho con đồng nghiệp, mà còn gián tiếp chăm lo đồng nghiệp vào tuổi xế chiều.

Công khai, minh bạch và mọi chăm lo xuất phát từ tấm lòng... là chìa khóa giúp Nghiệp đoàn trở thành bến đỗ bình yên cho ĐV giữa bão dịch COVID-19 cũng như trong đời thường. Hơn thế nữa, từ đây còn gợi mở cho các tổ chức Công đoàn bài học về công tác chăm lo ĐV.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn