MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bên trong xóm ngụ cư có "một không hai" ở bãi giữa sông Hồng

Phương Kiều LDO | 01/09/2020 18:59

Những người lao động sống ở bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên hầu hết không còn sổ hộ khẩu ở quê, cũng không được thừa nhận chính thức ở nơi mới. Họ làm đủ thứ nghề từ kéo xe, bán hoa quả dạo, bốc vác đến nhặt ve chai.

Chạy dọc cây cầu Long Biên có một lối nhỏ cheo leo dẫn xuống xóm ngụ cư ở giữa bãi sông Hồng.

Con đường nhỏ gồ ghề dẫn xuống xóm ngụ cư. Ảnh: Phương Kiều

Xóm nằm sâu trong những cánh đồng trồng chuối, rau muống, được người dân gọi là xóm Phao. Những người dân lao động ở đây đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng có hoàn cảnh giống nhau, không nhà cửa, làm những nghề tự do như bốc vác, gánh hàng thuê, xe ôm, thu mua đồng nát.

 Người dân đặt tên cho con đường dẫn xuống xóm ngụ cư là "Đường Hạnh phúc" với ý nghĩa dù cuộc sống có khó khăn, thiếu thốn về vật chật nhưng luôn hạnh phúc về tinh thần. Ảnh: Phương Kiều

Xóm ngụ cư với gần 30 hộ dân trên những "ngôi nhà" được chắp vá đủ thứ. Nào vải bạt, mền cũ hay những miếng gỗ vứt đi. Ngôi nhà của họ được níu bằng phao, thùng phi chông chênh dưới mặt nước. Mỗi khi mưa to, nước dâng đến đâu là nhà nổi lên tới đó.

Xóm ngụ cư nổi trên mặt nước nhờ những phao nhựa. Ảnh: Phương Kiều
Gần 30 hộ dân lênh đênh trên mặt nước. Ảnh: Phương Kiều
 Những miếng ván được chắp nối với nhau để dẫn lối đi vào nhà. Ảnh: Phương Kiều

Buổi sáng có rất ít người lao động ở đây vì những người phải đi làm ban ngày đã dậy từ rất sớm để ra khỏi nhà; lao động làm bốc vác, xe kéo vào ban đêm tại chợ Long Biên thì đang chìm vào giấc ngủ.

Bà Thu sống ở xóm ngụ cư đã hơn 40 năm, chưa từng nghĩ sẽ rời khỏi nơi này. Ảnh: Phương Kiều

Bà Thu (63 tuổi, quê Nam Định), đã sống ở đây hơn 40 năm. Trước đây còn sức khoẻ, bà nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. Nay sức khoẻ yếu hơn bà chỉ ở nhà, còn chồng đi làm.

Bà Thu nói, bà xa quê từ rất lâu nên không còn sổ hộ khẩu, còn ở đây chỉ có giấy tạm trú. Chồng bà quê ở Lạng Sơn, bỏ nhà đi khi còn rất nhỏ nên không rõ nhà ở đâu.

"Sau này đi làm thuê, chúng tôi gặp được nhau, tôi thương ông ấy "thân cô thế cô" nên 2 người về chung một nhà, cũng chẳng có giấy kết hôn" - bà Thu cho hay.

Chiếc quạt làm mát được chồng bà Thu tự chế. Ảnh: Phương Kiều

Công việc của chồng bà Thu cũng là bốc vác đồng nát, thu nhập chỉ đủ để hai vợ chồng lo sinh hoạt hằng ngày. Dự định tương lai, bà Thu chỉ mong muốn dư một chút tiền sửa lại sàn nhà, để mỗi khi mưa to gió lớn, "mái ấm" của bà vững chắc hơn.

“Cửa sổ” thông gió của nhà bà Thu. Ảnh: Phương Kiều

"Bố mẹ tôi mất từ lâu, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ rời căn nhà này, vì thực chất cũng không biết đi về đâu. Con cái, nhà cửa không có, giờ chỉ biết lênh đênh trên mặt nước, sống vui vẻ với hiện tại" - bà Thu bộc bạch.

Chiếc ghe giúp người dân di chuyển trên mặt nước. Ảnh: Phương Kiều

Đi men theo con đường mòn từ xóm Phao vào nội thành là nơi ở của những người dân xóm trọ nghèo ở Phúc Xá, Long Biên, Hà Nội.

Khu nhà trọ Phúc Xá, Hà Nội. Ảnh: Phương Kiều

Đây là nơi ở của hàng trăm người bốc vác, xe kéo, bán hoa quả dạo, bán hàng rong sống trong mái nhà lợp trọ tạm bợ, được dựng bằng tôn và những tấm gỗ mỏng.

 Nhà trọ được mái tôn tạm bợ. Ảnh: Phương Kiều
Cô Tươi trong lúc nghỉ ngơi. Ảnh: Phương Kiều

Làm nghề xe kéo trái cây, cô Nguyễn Thị Tươi, quê Nam Định thuê trọ ở ở khu này trong căn phòng nhỏ chỉ đủ chứa một cái giường, thêm vài vật dụng cần thiết. Dịch COVID-19 khiến cô ít việc hơn, từ đó thu nhập cũng giảm một nửa.

Công việc của cô bắt đầu từ 10 giờ đêm đến mờ sáng. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, sau khi kéo xe trái cây cho các sạp trong chợ, cô Tươi tranh thủ nhặt thêm một vài thùng rồi chở đến cho gánh hàng rong.

"Công việc ngày càng ít, những người lao động như chúng tôi phải cố gắng, chắt bóp chi tiêu mới đủ sống", nói rồi cô Tươi xin phép nghỉ ngơi vì cô đã trắng đêm không ngủ. Đêm nay cô lại tiếp tục công việc đến tận sáng. Ngày nào cũng vậy, dù vất vả nhưng đối với cô, còn việc là còn vui.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn