MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nạn nhân vụ ngộ độc khí methanol tại Công ty TNHH HS Tech Vina (Bắc Ninh). Ảnh chụp ngày 2.3.2023 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bảo Hân

BHXH tự nguyện với lao động không hợp đồng vô cùng cần thiết

Quỳnh Chi LDO | 27/05/2023 12:00
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Nhóm đối tượng này tính đến hết quý I/2023 là 33 triệu người.

Tai họa bất ngờ

Anh P.T.A (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) chưa hết bàng hoàng sau gần chục năm bị tai nạn lao động.

Năm 2015, anh A làm công nhân nổ mìn cho một xưởng khai thác đá ở Lạng Sơn. Trong một ca làm việc, anh là 1 trong 4 công nhân bị thương nặng khi bị đá văng trúng người tại công trường khai thác. “Sau tiếng nổ chát chúa, tôi thấy đầu óc choáng váng, mặt ướt. Đưa tay sờ lên mặt, tôi cảm nhận phần mũi mình dập nát, máu loang đầy tay, chảy xuống cổ. Tôi ngất lịm... Khi tỉnh dậy thấy đã được băng bó khắp người và đang nằm tại Bệnh viện Việt Đức” - anh A nhớ lại.

Anh A mất gần 7 tháng nằm viện liên tục, trải qua 5 ca mổ kéo dài trong gần 2 năm. Di chứng của tai nạn là gương mặt hoàn toàn thay đổi, phần mũi, má, trán chằng chịt vết sẹo; sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, không thể làm việc nặng và thường xuyên choáng váng, đau đầu khi thời tiết thay đổi.

Thời điểm xảy ra tai nạn, anh A chỉ là lao động “hợp đồng miệng” tại mỏ đá. “Họ bao ăn ngày 3 bữa, trả lương 10 ngày 1 lần. Chúng tôi nhận lương qua một trung gian, gọi là kíp trưởng. Khi tai nạn xảy ra, theo tôi biết, tiền điều trị cho 4 người tốn hơn 2 tỉ đồng, do chủ mỏ phải trả 100% chi phí điều trị vì chúng tôi đều không có bảo hiểm y tế” - anh A nói.

Hiện, do suy giảm sức khỏe, anh A về quê cùng vợ buôn bán tạp hóa.

Anh A vẫn là trường hợp may mắn, sau tai nạn có chủ sử dụng lao động chi trả chi phí điều trị. Thực tế có hàng nghìn trường hợp lao động không có hợp đồng lao động, khi xảy ra tai nạn, gia đình nạn nhân gần như rơi vào cảnh khánh kiệt vì lo chi phí điều trị.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2022, cả nước xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 1.214 vụ so với năm 2021 (tương ứng tăng 18,66%), làm 7.923 người bị nạn, trong đó có 754 người chết, 1.647 người bị thương. Đáng chú ý, tai nạn xảy ra cả ở khu vực có quan hệ lao động và cả khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động.

BHXH theo hình thức tự nguyện là cần thiết

Theo Bộ LĐTBXH, hiện đang có nhiều lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị tai nạn lao động nghiêm trọng trong quá trình lao động.

Chỉ tính riêng số người làm việc không theo hợp đồng lao động bị chết do tai nạn lao động bình quân mỗi năm là trên 2.000 người (gấp gần 2 lần khu vực người lao động có quan hệ lao động). Khi bị tai nạn lao động, họ gặp vô vàn khó khăn do kinh phí điều trị cao mà không có bảo hiểm chi trả hỗ trợ.

Bộ LĐTBXH đang dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Theo đó, dự thảo quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động gồm 6 chương, 39 điều trên cơ sở kế thừa một phần các quy định của bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động tại Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; đồng thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với phương thức quản lí bảo hiểm tự nguyện và điều kiện thực tế triển khai.

Trên thực tế, hiện có không ít sản phẩm bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động ở Việt Nam đang được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe. Tuy nhiên, bảo hiểm thương mại hướng tới mục tiêu lợi nhuận nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ. Tiêu biểu là không có chế độ chi dài hạn để bù đắp tổn thất về thu nhập; người nghèo thường không có điều kiện tham gia; phải đóng theo thời hạn cam kết ngay cả khi không có việc làm...

Các địa phương xảy ra nhiều TNLĐ nghiêm trọng chết người và bị thương nhiều người gồm: TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Định, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Thuận. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, điện, dịch vụ, khai thác khoáng sản…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn