MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ khách hàng (BHXH Việt Nam) đang tư vấn cho người tham gia BHXH về chế độ, chính sách liên quan đến BHXH qua Internet. Ảnh: H.A

BHXH Việt Nam: Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thủ tục hành chính

HÀ NGUYÊN LDO | 19/07/2018 06:42

BHXH Việt Nam xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên toàn ngành đã có nhiều giải pháp tích cực. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tập trung tối đa nguồn lực, quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT một cách đồng bộ từ việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho đến việc tổ chức thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực kê khai, thu, nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Còn 28 thủ tục hành chính

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trong năm 2017, cơ quan này đã tiến hành rà soát, đơn giản biểu mẫu, hoàn thiện quy trình trong tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chi trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và hưởng thụ, trên cơ sở đó đã cắt giảm số thủ tục hành chính của ngành từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày.

Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, phấn đấu giảm thời gian nộp BHXH xuống còn 49 giờ; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; phấn đấu đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, DN sẽ được cung cấp ở mức độ 3. Đặc biệt, cho phép triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bằng phương thức sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng.

Hiện tại, ngành đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, góp phần rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN. Đến tháng 6.2018, đã có trên 236.000 đơn vị đăng ký giao dịch điện tử; trên 2,4 triệu hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử; cấp sổ BHXH cho 13,4 triệu người (đạt hơn 99% số người đang tham gia BHXH), đã bàn giao cho người lao động 7,98 triệu sổ BHXH; cấp 80,3 triệu thẻ BHYT, trong đó có 10,3 triệu thẻ BHYT được cấp theo mã số BHXH, kết nối liên thông dữ liệu hộ gia đình với tỉ lệ đồng bộ mã số BHXH của người tham gia đạt gần 99%.

Sau gần 2 năm đưa vào vận hành, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối tới gần 100% số cơ sở khám-chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến trung ương. Đến cuối năm 2017 đã tiếp nhận hơn 166 triệu hồ sơ khám-chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán; tỉ lệ kết nối liên thông và thực hiện giám định điện tử trên toàn quốc đạt 98%. 5 tháng đầu năm có 70,6 triệu lượt người khám-chữa bệnh BHYT tiếp nhận qua Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin

Theo Thứ trưởng - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh: “Cải cách hành chính không thể không gắn với công nghệ thông tin. Nếu không áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính thì không bao giờ 2.500 cán bộ có thể giám định 170 triệu hồ sơ khám-chữa bệnh một năm. Do đó, BHXH quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ”.

Trong thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục hiện đại hóa hành chính bằng việc đẩy mạnh việc triển khai, sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý nghiệp vụ của ngành, đặc biệt là việc khai thác, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý, công tác chỉ đạo, điều hành; chia sẻ dữ liệu cho các đơn vị liên quan và BHXH các tỉnh, thành phố; kết nối với các đơn vị ngoài ngành trên trục liên thông, theo kiến trúc Chính phủ điện tử. Phấn đấu đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, DN sẽ được cung cấp ở mức độ 3. Đặc biệt, cho phép triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bằng phương thức sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng.

Ngoài ra, ngành BHXH sẽ ban hành Quy chế quản lý, khai thác, bảo mật thông tin, dữ liệu trên hệ thống dữ liệu điện tử của ngành BHXH; tiếp tục tăng cường công tác giám định trên Hệ thống thông tin giám định BHYT; phối hợp với ngành y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở khám-chữa bệnh BHYT theo cảnh báo từ hệ thống giám định điện tử, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, BHYT, BHTN để phục vụ người dân và DN.

Để nâng cao hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính, ngành BHXH kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kiến nghị Bộ LĐTBXH chỉ đạo các trung tâm xúc tiến việc làm phối hợp với cơ quan BHXH xây dựng kết nối phần mềm liên thông dữ liệu về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám-chữa bệnh trên toàn quốc thực hiện dữ liệu lên cổng tiếp nhận Hệ thống thông tin giám định BHYT đúng thời hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn