MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập giảm, anh Hùng đã tính đến việc đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Lương Hạnh

Bị giảm việc, công nhân mong chờ được xuất khẩu lao động

LƯƠNG HẠNH LDO | 06/07/2023 08:24

Tình trạng không được tăng ca, làm thêm kéo dài từ cuối tháng 12.2022 đến nay, anh Hùng đã tính đến việc đi xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài giải quyết nỗi lo chi phí hơn 100 triệu đồng, anh Hùng còn ái ngại việc học ngoại ngữ ở độ tuổi gần 40.

Thời tiết Thủ đô những ngày này lên đến gần 40 độ C, đứng nấu cơm trưa ngày 5.7, khuôn mặt anh Lê Mạnh Hùng - công nhân KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) ướt đẫm mồ hôi. Phòng trọ của anh có giá 700.000 đồng/tháng, nằm ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Dù xung quanh nhiều cây xanh và cửa phòng trọ đã mở tung nhưng không khí oi bức trong phòng cũng không giảm đi là bao.

Anh Hùng đã có hơn 10 năm làm công nhân tại đây. Hiện mức lương cơ bản của anh là hơn 8 triệu đồng/tháng. Anh cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 12.2022, anh không còn được tăng ca, làm thêm thường xuyên.

Ngoài 8 triệu đồng tiền lương, anh nhận thêm chút ít tiền phụ cấp nhà ở, xăng xe… Cuộc sống bắt đầu trở nên khó khăn hơn từ thời điểm ấy.

“Tôi không dám lập gia đình vì chưa đủ tự tin lo cho vợ con đủ đầy” - anh Hùng nói. Đó cũng là lí do khiến nam công nhân tính đến chuyện đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc).

Anh đã nung nấu ý định này từ lúc đột ngột bị cắt giảm việc làm. Tuy nhiên, ngoài nỗi lo chi phí hơn 100 triệu đồng, anh Hùng còn ái ngại việc học ngoại ngữ ở độ tuổi gần 40.

Khi vừa học xong cấp 3, anh đã lăn lộn từ Bắc vào Nam, ở các công ty, nhà máy khác nhau để có tiền trang trải cuộc sống. Việc học dừng lại từ sớm, đôi bàn tay miệt mài với những con ốc, vít trong nhà máy thời gian dài khiến anh bối rối nếu bắt đầu lại với bút, vở.

Anh Hùng là 1 trong hơn 500.000 lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm trong thời gian vừa qua.

Tại phiên họp Chính phủ thường kì ngày 4.7, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã đề cập đến nhiều nội dung “nóng” từng được đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội liên quan đến tình hình lao động việc làm, rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra rằng, trong quý vừa qua vẫn tồn tại tình trạng thiếu việc làm (2,06%). So với quý I, tình trạng cắt giảm đơn hàng dẫn đến thiếu việc làm diễn ra trong quý II cao hơn.

“Có trên 500.000 người thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm. Trong đó, số bị cắt giảm việc làm dẫn đến thất nghiệp là 172.000 người, chủ yếu rơi vào khu vực FDI và khu vực Đông Nam Bộ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cũng đưa ra 4 vấn đề các bộ, ngành và địa phương cần quan tâm, trong đó có tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người, an sinh và an dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn