MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ký tên vào đơn kêu cứu để đòi lương. Ảnh: Nam Dương

Bị nợ lương kéo dài nhiều tháng qua, người lao động đến công ty đòi lương

Nam Dương LDO | 03/01/2024 15:52

TPHCM - Sáng 3.1, gần 20 người nguyên là nhân viên của Công ty Cổ phần dịch vụ quản lý CMT (Quận 3, TPHCM) bị nợ lương từ 13 triệu đồng đến 555 triệu đồng từ nhiều tháng qua, đã đến công ty đòi lương.

Theo danh sách những người ký tên trong đơn cầu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng thì người bị nợ lương nhiều nhất là gần 555 triệu đồng, nhiều người bị nợ hơn 100 triệu đồng, người bị nợ ít nhất là 13 triệu đồng.

Anh Hoàng Tuấn Anh, nguyên trưởng nhóm hành chính của công ty - cho biết, anh làm cho công ty từ tháng 11.2022 đến tháng 12.2023 thì nghỉ việc. Thế nhưng trong thời gian này, anh đã bị nợ lương từ tháng 7.2023 đến tháng 12.2023 với số tiền là 150 triệu đồng. Anh cũng nhiều lần yêu cầu được trả lương, nhưng công ty lấy lý do khó khăn, hứa hẹn sẽ trả và bản thân anh cũng như nhiều người lao động khác đều lo ngại nếu nghỉ việc thì sẽ không được trả lương nên tiếp tục làm việc đến khi không thể chịu đựng được nữa.

“Hiện cả gia đình tôi đều sống nhờ vào tiền công đi làm giúp việc gia đình theo giờ của vợ tôi nên rất khổ cực”, anh Tuấn Anh nói.

Nhiều người lao động khác cũng cho biết họ bị nợ lương từ nhiều tháng qua và chưa được trả lương.

Người lao động tập trung trước cửa công ty đòi lương. Ảnh: Nam Dương

Phía người lao động sau đó đã cử hai người làm đại diện cho mình để làm việc với công ty và đề nghị công ty chi trả 30% tiền lương trước ngày 20.1, số còn lại trả trước ngày 8.2.

Ông Hồ Thành An, đại diện phía Công ty cổ phần dịch vụ quản lý CMT - cho biết: Công ty sẽ trả tiền lương cho người lao động từ nguồn thu của công ty trước ngày 8.2.2024.

Luật sư Trần Phi Đại - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Nếu bị nợ lương kéo dài, người lao động có thể làm đơn đề nghị hòa giải viên lao động cấp quận, huyện hòa giải. Trường hợp không hòa giải hoặc hòa giải không thành, người lao động mới có quyền khởi kiện doanh nghiệp để đề nghị tòa án tuyên doanh nghiệp phải trả lương cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn