MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mất việc từ trước Tết Nguyên đán, anh Trần Thiên Phú tận dụng mảnh vườn nhỏ quanh nhà để trồng rau để có thu nhập xoay xở cuộc sống. Ảnh: Hoàng Lộc

Bị nợ lương, mất việc, người lao động càng khó khăn

Hoàng Lộc LDO | 06/02/2023 09:23

Vì nhiều lý do khác nhau, một số công ty đã chậm trả lương và cho thôi việc khi chưa thanh toán hết tiền lương cho người lao động. Những công nhân không may gặp phải tình trạng này hết sức bức xúc khi vừa mất tiền, mất việc, cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn, chật vật.

Anh Trần Thiên Phú (sinh năm 2000, quê xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) bức xúc cho biết, mình bắt đầu làm công nhân của Công ty xây dựng Phước Thành ở TPHCM từ đầu năm  2021. Khi đó anh Phú vừa hoàn thành 2 năm nghĩa vụ quân sự về.  

Theo anh Phú, công ty thỏa thuận với anh mức lương hằng ngày là 450.000 đồng và được thanh toán hằng tuần. Thế nhưng, từ tháng 9.2022 đến trước Tết Nguyên đán công ty đã không thực hiện đúng ngày trả lương với nhiều lý do. Hiện, công ty còn thiếu anh Phú hơn 10 triệu đồng. 

“Do khi vào làm tôi chỉ thỏa thuận bằng miệng chứ không có hợp đồng bằng văn bản nên cũng khó thưa kiện. Bây giờ tôi chỉ biết liên hệ với công ty để đòi lại số tiền công ty còn thiếu chứ cũng không biết liên hệ đến cơ quan nào để được giải quyết cho trường hợp của tôi”, anh Phú nói.

Từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, anh Phú về quê và tạm thời tận dụng mảnh vườn nhỏ trồng rau để có thu nhập lo cho cha mẹ. Anh tính sắp tới sẽ xin đi xuất khẩu lao động.

“Không chỉ riêng tôi mà hàng chục công nhân khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự” - anh Phú thở dài chia sẻ.

Chị Cao Thị Thiên Lý (sinh năm 1985, quê ở xã Long Mỹ, huyện Mang Thít, Vĩnh Long) cũng trong tình cảnh tương tự. Chị Lý làm việc cho 1 công ty in ấn ở quận 12, TPHCM từ cuối năm 2020, với mức lương hơn 6,5 triệu đồng/tháng. Mức lương này chưa tính tăng ca. 

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến trước Tết Quý Mão, công ty trả lương một phần và thường trả muộn nhiều ngày. Lý do được công ty đưa ra là sẽ trả sau khi các đối tác thanh toán tiền in sản phẩm.

Dù không được nhận đủ tiền lương, nhưng vì sợ mất việc cuối năm, chị Lý vẫn ở lại làm. Thế nhưng, đến cuối năm 2022, công ty cho nghỉ việc vì lý do không có đơn hàng sản xuất. Đáng nói, công ty còn thiếu chị Lý gần 20 triệu đồng chưa thanh toán.

Theo chị Lý, khi vào làm tại công ty cũng thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội. Sau khi bị cho nghỉ việc về quê chị có đến báo với Hội Liên hiệp phụ nữ xã Long Mỹ nơi chị sinh sống và được hướng dẫn đến LĐLĐ huyện để được tư vấn hướng dẫn, nhưng chị Lý chưa đến LĐLĐ để trình bày.

“Tôi làm đơn gửi công ty đòi số tiền lương và được công ty hẹn khi nào có khách hàng thanh toán sẽ trả nên tôi đồng ý nghỉ và về quê” - chị Cao Thị Thiên Lý chia sẻ. 

Theo ông Phạm Văn Thuận - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), LĐLĐ huyện có nghe thông tin có một số công nhân trên địa bàn huyện đang thất nghiệp và công ty không trả đủ hoặc chậm trả tiền lương. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào đến LĐLĐ huyện để trình báo.

“Nếu trường hợp người lao động đến trình bày vấn đề nợ tiền lương như các trường hợp kể trên thì chúng tôi hướng dẫn họ cần liên hệ với Công đoàn tại công ty, LĐLĐ quận, huyện nơi công ty mà trước đây họ từng làm việc để được hướng dẫn làm đơn kiện. Sau đó tổ hoà giải của LĐLĐ sẽ thực hiện các bước tiếp theo. Phía công nhân làm việc theo hợp đồng miệng thì có danh sách ký nhận lương hằng tháng cũng có căn cứ để được giải quyết lương theo Luật Lao động”, ông Phạm Văn Thuận thông tin thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn