MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần trưa ngày 25.3, nhiều sinh viên công nhân vẫn ngủ lăn lóc trên các giường tầng do mệt mỏi. Ảnh: Xuân Hùng

Biến học sinh thực tập thành công nhân

Xuân Hùng LDO | 03/04/2024 12:30

Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đưa 76 học sinh đi thực tập tốt nghiệp dưới tên gọi là chương trình “Học tập và trải nghiệm công việc thực tế” nhưng thực chất là biến các em thành công nhân.

“Công nhân học sinh” không thuộc diện đóng BHXH, BHYT

Báo Lao Động nhận được thông tin của phụ huynh có con đang theo học tại Trường Trung cấp nghề Nga Sơn phản ánh việc con em họ được nhà trường cho đi thực tập nhưng thực chất là đi làm công nhân.

Điều tra của Báo Lao Động cho thấy, phản ánh trên là có cơ sở. Đầu tháng 3.2024, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn phối hợp với công ty TNHH Hojeong Vina (địa chỉ đăng ký tại KCN Hòa Phú, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) do ông Leem Young Deug, quốc tịch Hàn Quốc làm Tổng Giám đốc.

Đơn vị trung gian giữa Công ty Hojeong và nhà trường là Công ty CP Tập đoàn Cung ứng lao động VTC1 (gọi tắt là VTC1), trụ sở đăng ký tại phường Tứ Minh, TP Hải Dương. Văn phòng ở Hà Nội tại quận Hà Đông. Công ty do bà Nguyễn Thị Thùy Dương làm Chủ tịch HĐQT.

Theo đó, Công ty VTC1 nhận 76 sinh viên của Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, sau đó cung cấp cho Công ty Hojeong Vina để 76 học sinh này vào “thực tập trải nghiệm” nhưng thực chất là làm công nhân cho công ty từ ngày 5.3 đến 5.6.2024.

Ghi nhận thực tế của Báo Lao Động, 76 học sinh nói trên được chia làm 2 ca làm việc. Ca ban ngày từ 8h đến 17h, sau thời gian này được tính là thời gian tăng ca; ca đêm từ 20h đến 5 sáng hôm sau, sau 5 giờ sáng được tính là tăng ca.

Công việc của các em là đứng chuyền lắp ráp linh kiện điện tử. Thu nhập theo cam kết của mỗi học sinh khoảng từ 3,5 - 4,1 triệu đồng, tùy điều kiện có tăng ca hay không. Tất cả “công nhân học sinh” này đều không thuộc diện đóng BHXH, BHYT vì không có bất kỳ HĐLĐ nào và các bên cho rằng, các em đã và đang đóng BHYT, BHXH ở đơn vị khác (đang là học sinh).

Gần trưa ngày 25.3, có mặt tại tầng 4, KTX Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), phóng viên ghi nhận có rất đông nam sinh làm ca đêm đang ngủ lăn lóc trên các khu giường tầng.

Cung cấp thông tin, các em cho hay, ngay từ ngày đầu, các em phải làm việc như một công nhân thực thụ, đứng cùng chuyền làm với những công nhân của công ty, ai cũng mệt mỏi. Theo các em, việc đi làm này là quy định của nhà trường nên phải chấp hành, không giám kêu ca phản ánh vì sợ nhà trường không cho tốt nghiệp.

Đáng nói, trong bản thỏa thuận 3 bên, Công ty Hojoeng chỉ tiếp nhận người đủ 18 tuổi trở lên vào công ty làm việc nhưng thực tế, chỉ có 1 em sinh năm 2006 còn lại đều mới 17 tuổi (sinh 2007).

Mọi khó khăn đổ đầu học sinh

Theo các em học sinh, tất cả các điều khoản trong các bản cam kết, các em đều bị áp đặt, nhiều điều khoản bất lợi. Chẳng hạn, học sinh đi làm đủ 10 ngày trở lên mới được nhận tiền công, nếu thiếu 1 ngày sẽ không được tính công những ngày trước đó; nếu dừng đi làm trong thời gian 1 tháng đầu sẽ không được nhận lương; nếu dừng từ tháng thứ 2 trở đi sẽ được nhận lương nhưng phải trừ đi rất nhiều chi phí như: Phí đào tạo (9 ngày lương) + phí nhà ở, phí xe đưa đón, phí quản lý, các phí khác của học sinh phát sinh tại tháng đó...

Dù đang tuổi đi học nhưng tất cả các em đều phải làm việc từ thứ hai đến hết thứ bảy. Mỗi học sinh chỉ được nghỉ phép 2 lần/tháng; nghỉ không phép mỗi lần bị phạt 100.000 đồng; nghỉ có phép từ lần thứ ba trở đi cũng bị phạt 100.000 đồng/lần...

Tại thời điểm ngày 25.3, chưa em nào được nhận lương. Các em rất lo lắng, không biết có nhận được đủ lương vào cuối tháng hay không vì gia đình khó khăn, từ Thanh Hóa ra Bắc Ninh gần 1 tháng, các em phải tằn tiện để chi tiêu. Ngoài bữa ăn khi đi làm trong công ty, các em phải tự túc nhiều khoản khác.

“Chúng em cũng không nghĩ mình chưa ra trường mà phải đi làm công nhân như vậy, nhất là làm đêm, chúng em rất mệt” - một học sinh xin giấu tên nói.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Công ty VTC1 xác nhận việc học sinh đi làm như trên là đúng. Theo công ty này, đây là nhu cầu xã hội, nhà trường muốn có nơi đưa các em đi thực tập còn công ty cần nhân lực làm việc. Công việc cũng phù hợp, không quá nặng, còn làm ca đêm là do công ty đang cần thực hiện đơn hàng. Để làm rõ việc nhận người chưa đủ 18 tuổi vào làm việc tại công ty, không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm các loại, phóng viên đã đến Chi nhánh Công ty Hojoeng tại Bắc Ninh nhưng công ty không cho vào, không trao đổi, không cung cấp thông tin.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, nhà trường cũng biết việc các em vào làm việc như công nhân là vất vả và có một số vấn đề chưa được thỏa đáng. Tuy nhiên, do đặc thù học nghề, nhà trường muốn các em tiếp cận thực tế công việc, trong đó có cả áp lực làm việc để ra trường, các em có thể đi làm ngay.

Hơn nữa, việc đưa hàng trăm học sinh vào phân xưởng, nhà máy thực tập mà không đem lại quyền lợi cho công ty thì rất khó có đơn vị tiếp nhận. Do đó, trường đành chấp nhận phương án trên để các em vừa đi thực tập vừa đi làm có lương...

Riêng việc làm đêm, sau khi nghe phản ánh, ông Minh cam kết sẽ can thiệp dừng việc này vì lo ngại sức khỏe học sinh không đảm bảo. Ông Minh cũng cam kết, không có chuyện học sinh không đảm bảo đi làm công nhân nhà trường sẽ không xét tốt nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn