MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân thất nghiệp về quê, phòng trọ trống. Ảnh: Đình Trọng

Bình Dương: Doanh nghiệp gặp khó, công nhân thất nghiệp, cuộc sống lao đao

Đình Trọng LDO | 29/07/2023 06:37

Doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, hàng chục nghìn lao động tỉnh Bình Dương đã bị mất việc làm. Trong số những người thất nghiệp, có người không tìm được việc làm, đã phải về quê...

Thất nghiệp, đành về quê

Thành phố Thuận An vốn là nơi kinh tế phát triển sôi động, có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất hoạt động. Tuy nhiên qua năm 2023, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Tình hình tuyển dụng lao động cũng ảm đạm hơn các năm trước, nên lao động thất nghiệp khó tìm được việc làm mới. Những người ở trọ một mình không tìm được việc làm đành phải về quê, bỏ lại những dãy trọ, phòng trọ vắng lặng. Một dãy trọ 10 phòng trước đây ở kín hết, nay bỏ trống 4 phòng.

Ở thành phố Thủ Dầu Một, các nhà trọ bên cạnh khu công nghiệp Sóng Thần 3, Đại Đăng, Kim Huy phòng trống nhiều hơn. Nhiều dãy trọ đặt bảng còn phòng cho thuê nhưng ít ai đến hỏi thuê.

Đặc biệt tại thành phố Tân Uyên, các dãy phòng trọ bỏ trống nhiều nhất. Những công nhân ngành gỗ thất nghiệp, không tìm được việc làm mới, quá khó khăn buộc phải về quê. Nhiều phòng trọ bỏ trống hơn 1 năm nay vẫn chưa có người quay trở lại thuê ở.

Cư xá Hưng Lợi 1 ở phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên có 600 phòng trọ cho thuê. Ban quản lý cư xá cho biết, hiện có đến hơn 300 phòng trọ đang trống. Thời gian dài không có công nhân trở lại thuê ở, chủ nhà trọ bắt vít khóa chặt phòng.

Không có tiền đóng học cho con

Theo ghi nhận của phóng viên, vào ban ngày, trong dãy trọ chỉ còn trẻ nhỏ và những lao động thất nghiệp. Những người thất nghiệp còn ở lại là do có thể nương tựa vào gia đình, người thân. Chị Trương Thị Hân (35 tuổi, quê An Giang) ngồi buồn trước phòng trọ. “Tôi thất nghiệp nhiều tháng nay chưa tìm được việc làm mới. May chồng còn đi làm có thu nhập từ 7-10 triệu đồng, cả gia đình 4 người sống nhờ vào phần thu nhập này” - chị Hân chia sẻ.

Anh Trần Văn Tiên (36 tuổi, quê Sóc Trăng) là một trong số những công nhân ngành gỗ tại thị xã Tân Uyên bị thất nghiệp nhiều tháng nay. “Từ mùa dịch, công nhân không tăng ca. Qua năm 2023, công ty hết đơn hàng, tôi bị thất nghiệp. Từ đó đến nay cả gia đình 6 người trông chờ vào phần thu nhập phụ bán quán cơm. Chúng tôi chỉ đủ tiền để trả tiền trọ, ăn uống. Lay lắt tồn tại ở đây, về quê thì cũng không có việc làm, không có thu nhập. Tôi có 4 đứa con không có cháu nào được đi học. Thực sự lo ăn cho các cháu chưa đủ, không có tiền đóng học cho các cháu được”.

Những lao động tự do cũng sống vất vả khi bám trụ ở lại. Bà Thị Nhu (gần 60 tuổi) vừa đi nhặt ve chai vừa làm phụ việc cho người dân mỗi tháng chỉ có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Số tiền này, bà Nhu phải trang trải chi tiêu, ăn ở cho 3 bà cháu, 2 đứa cháu của bà Nhu mồ côi cha không được đến lớp vì quá khó khăn.

Lo lắng khi tiền điện tăng

Anh Trần Văn Tiên cho biết, gần đây, chủ trọ thông báo tiền điện tăng thêm 500 đồng/kWh. Việc này sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt của những gia đình công nhân đang bị ảnh hưởng việc làm. “Tôi kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ riêng về tiền điện cho những gia đình công nhân lao động đang bị thất nghiệp như chúng tôi” - anh Tiên chia sẻ.

Ngành gỗ chưa tuyển dụng lao động trở lại

Ghi nhận tình hình tuyển dụng tại Bình Dương, hiện nay rất ít doanh nghiệp tuyển dụng. Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, đơn hàng vẫn đang còn ít, đa số các công ty chỉ có đơn hàng ngắn hạn, cố gắng duy trì số lao động hiện tại, chưa có kế hoạch tuyển dụng mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn