MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình Dương: Những công nhân xa quê với bữa cơm chiều 30 Tết

ĐÌNH TRỌNG LDO | 11/02/2021 18:36

Với những công nhân lao động xa quê ở Bình Dương, 2020 là một năm đầy vất vả khó khăn. Vì dịch bệnh và điều kiện kinh tế, hàng trăm nghìn người phải ở lại Bình Dương tiếp tục ăn cái Tết xa quê trong nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.

Một năm khó khăn, đơn sơ chiều 30 Tết

Những ngày cuối năm Âm lịch, tại Bình Dương phát hiện 6 trường hợp dương tính với virus SARS - CoV-2. Để chung tay phòng chống dịch bệnh, hàng trăm ngàn lao động đã quyết định không về quê, hạn chế di chuyển. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, năm nay có khoảng 500.000 lao động ngoại tỉnh ở lại Bình Dương ăn Tết.

Theo ghi nhận, tại khu nhà ở xã hội (NƠXH) Hòa Lợi (sát các khu công nghiệp thuộc phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) năm nay số lượng công nhân lao động ở lại ăn Tết đông hơn các năm trước.

Người dân ở NOXH Hòa Lợi sắm sửa đồ Tết. Ảnh: Đình Trọng

Ngày 30 Tết, người lao động đã gác lại tất cả các công việc để cùng nhau sắm sửa, vun vén cho một cái Tết xa quê được đủ đầy. Ở dãy nhà A2A, gia đình anh Hoàng Xuân Đông (36 tuổi, quê Lào Cai) đang chuẩn bị cơm để cúng chiều 30 Tết. Anh Đông cho biết, năm do dịch bệnh nên công việc làm ăn của gia đình gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút so với năm trước.

"Vợ chồng tôi cũng đã đặt vé về quê, nhưng do xảy ra dịch bệnh nên đã quyết định hủy vé và ở lại Bình Dương, hạn chế di chuyển, chung tay phòng, chống dịch bệnh. Dù không về quê, nhưng cũng cố gắng mua đồ đạc để làm mâm cơm đơn sơ cúng tổ tiên và mời bạn bè đến chung vui bữa cơm cuối năm"- anh Đông chia sẻ.

Anh Đông làm cơm cúng tổ tiên ngày 30 Tết. Ảnh: Đình Trọng

Cùng ở dãy nhà A2A, hôm nay Anh Nguyễn Văn Phú (32 tuổi, quê Tây Ninh) mới đi chợ để sắm sửa đồ cúng và làm cơm chiều 30 Tết. "Do dịch bệnh nên gia đình không về nhà nội ở Tây Ninh và quê vợ ở Thanh Hóa. Hai vợ chồng và con gái ở lại Bình Dương. Tôi có đăng ký làm Tết, hôm nay đổi ca nên mới đi sắm ít đồ cúng và làm bữa cơm chiều 30 Tết" - anh Phú nói.

Anh Phú đăng ký làm Tết nên mua sắm đồ muộn. Ảnh: Đình Trọng

Tiếp lời chồng, chị Bùi Thị Hằng (31 tuổi) chia sẻ: "Trong năm qua, trường mầm non nghỉ nhiều để phòng bệnh cho các cháu, vì vậy thu nhập của tôi bấp bênh. Trong khi đó lại có con nhỏ nên kinh tế gia đình còn khó khăn. Cái Tết xa quê năm nay cũng đơn sơ thôi, do chồng đi làm ngày 1, 2, 3 Tết nên tôi không mua đồ gì nhiều. Chỉ mua hoa, một ít trái cây, bánh kẹo và 1 cái bánh chưng để thắp hương".

Mong dịch bệnh được khống chế

Trải qua một năm công việc đầy khó khăn, nhiều khi phải nghỉ việc không lương, chị Bùi Thị Hằng bày tỏ ước muốn: "Trước tiên, năm mới tôi mong gia đình có thật nhiều sức khỏe. Thứ hai là dịch bệnh được khống chế, để từ đó các công ty hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định. Trường học cũng không phải nghỉ dạy để tránh dịch, từ đó công việc của các giáo viên được đảm bảo và mình cũng có thu nhập để trang trải lo cho gia đình và cuộc sống".

Vợ chồng anh Phú, chị Hằng và con gái đón Tết xa quê. Ảnh: Đình Trọng

Cùng ước muốn này, theo anh Nguyễn Văn Phú, có khống chế được dịch bệnh thì hàng hóa mới xuất khẩu và các công ty mới có đơn hàng. "Từ đó người lao động như tụi mình mới có việc làm, an tâm sản suất và thu nhập được tăng thêm để ổn định cuộc sống"-anh Phú bày tỏ.

Anh Hoàng Xuân Đông cũng mong chính quyền Bình Dương, nhà nước sớm kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng và tiến tới dập dịch. "Không còn dịch bệnh thì mới yên tâm sản xuất kinh doanh. Năm mới tôi mong dịch bệnh sẽ tiêu tan, toàn dân được mạnh khỏe, ấm no để sang năm được đón cái Tết sum vầy cùng gia đình, hạnh phúc hơn" - anh Đông chia sẻ mong ước.

Những người lao động xa quê gom góp đón Tết đơn sơ trong nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Ảnh: Đình Trọng

This browser does not support the video element.

Người lao động ăn Tết xa quê đơn sơ, mong ước năm mới dịch bệnh được khống chế. Video: Đình Trọng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn