MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương chủ trì hội nghị. Ảnh: Đình Trọng

Bình Dương tập trung tuyên truyền doanh nghiệp tăng 6% lương tối thiểu vùng

ĐÌNH TRỌNG LDO | 12/07/2024 12:17

Ngày 12.7, LĐLĐ tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh lần thứ 3 khóa XI, nhiệm kỳ 2023-2028 và tổ chức sơ kết hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm. Tại hội nghị cũng xác định sẽ tập trung tuyên truyền, giám sát doanh nghiệp thực hiện tăng 6% lương tối thiểu vùng.

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương chủ trì hội nghị. Tại hội nghị, có nhiều ý kiến của công đoàn cấp cơ sở, công đoàn cấp trên kiến nghị về các hoạt động trọng tâm những tháng cuối năm.

Đáng chú ý, các ý kiến tập trung vấn đề xây dựng quan hệ lao động ở doanh nghiệp, hạn chế các vụ ngừng việc tập thể.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, giải quyết chưa đúng các thủ tục về hợp đồng lao động, chưa thực hiện việc đóng BHXH cho người lao động... sẽ dẫn đến nguy cơ tranh chấp lao động. Bên cạnh đó, liên quan đến việc điều chỉnh tăng 6% lương tối thiểu vùng cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp.

Vì vậy trong những tháng cuối năm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

Ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đình Trọng

Đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai để CĐCS chú ý tuyên truyền Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. CĐCS cần đề xuất và giám sát người sử dụng lao động có trách nhiệm triển khai và thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo đúng quy định mới. Trường hợp thang lương, bảng lương của doanh nghiệp không còn phù hợp thì rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, phối hợp rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Nghị định số 74/2024/NĐ-CP. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và hạn chế cuộc ngừng việc tập thể xảy ra.

Hội nghị sơ kết hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm LĐLĐ tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - yêu cầu các cấp công đoàn tập trung công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động. Phối hợp với các cơ quan rà soát đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng quy định tăng lương tối thiểu vùng 6% cho người lao động.

Đồng thời, tăng cường thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể các nội dung có lợi cho người lao động, trong đó tập trung triển khai hoạt động "bữa cơm công đoàn" ở doanh nghiệp. Tích cực tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các vấn đề về lao động, an toàn lao động. Bên cạnh đó, tập trung việc đổi mới phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

CĐCS kiến nghị đề xuất với LĐLĐ tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Tiếp tục vận động để chăm lo cho công nhân đặc biệt khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm 2024, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã tập trung tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn. LĐLĐ tỉnh đã huy động trên 350 tỉ đồng để chăm lo hỗ trợ cho đoàn viên lao động khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán 2024 và Tháng Công nhân 2024. Trong đó kiến nghị tỉnh Bình Dương chi 44,5 tỉ đồng để hỗ trợ cho 44.400 công nhân lao động khó khăn.

Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã hỗ trợ hàng trăm đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo và tử vong do tai nạn (mức hỗ trợ từ 4-10 triệu đồng). Từ khi thành lập đến nay đã hỗ trợ cho 1.115 trường hợp với tổng số tiền 10,57 tỉ đồng. Hiện LĐLĐ đang tiếp tục vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, người lao động... cùng chung tay đóng góp hỗ trợ người gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn