MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tiểu thương không tăng giá thịt cá, chấp nhận lãi ít để chia sẻ khó khăn với người lao động. Ảnh: Đình Trọng

Bình Dương: Tiểu thương chấp nhận lãi ít, chia sẻ khó khăn với NLĐ

Đình Trọng LDO | 16/03/2022 11:30
Sau Tết Nguyên đán 2022, người lao động nhập cư ở Bình Dương, chưa hết khó khăn do dịch bệnh thì lại đến khó khăn do xăng tăng giá kéo những mặt hàng khác tăng theo.

Cố gắng tiết kiệm, cầm cự

Tại chợ ở KCN Mỹ Phước 3 (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) chúng tôi gặp anh Cao Minh Đô (28 tuổi, quê Quảng Ngãi) đi mua đồ ăn. Bữa ăn cho gia đình 2 người trong một ngày, anh Đô chỉ mua thịt heo, rau cải, hành ngò, ớt và một bình gas mini. Anh Đô cho biết, chỉ chừng đó thôi là đã hết 70.000 đồng rồi.

“Số đồ này, hai vợ chồng ăn trong một ngày. Từ khi xăng tăng giá, chi phí đi lại và sinh hoạt đều tăng. Vợ tôi làm công nhân trong công ty, còn tôi làm lao động trong lĩnh vực cơ khí di chuyển cũng khá nhiều. Trước đây mỗi ngày chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền xăng thì nay tốn hơn 30.000 đồng. Tiền ăn cũng tăng, trước đây chỉ khoảng 50.000 đồng thì nay tăng lên 60.000-70.000 đồng/ngày. Chi phí sinh hoạt tăng nên số tiền tiết kiệm hằng tháng không còn được bao nhiêu” - anh Đô chia sẻ. 

Đó là với gia đình chưa có con nhỏ, những cặp vợ chồng đã sinh con chưa đi làm thì cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều. Sau Tết Nguyên đán 2022, anh Trần Duy Khánh (26 tuổi, quê Cà Mau) đưa gia đình trở lại Bình Dương tiếp tục cuộc sống mưu sinh xa quê. Anh Khánh vào làm công nhân Công ty TNHH Long Yi, KCN Mỹ Phước 2, Bến Cát, Bình Dương, còn vợ thì mới sinh nên vẫn ở nhà trông con. So với năm 2021, cuộc sống của gia đình công nhân này vẫn còn nhiều chật vật.

“Mình lên Bình Dương làm được 1 tháng rồi, cố gắng làm tăng ca được 8-9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhà 3 người chỉ có 1 nguồn thu nhập nên cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhất là khi xăng tăng giá. Mặc dù công ty ở gần, trước đây một tháng chỉ hết khoảng 300.000 tiền xăng, nhưng nay phải đổ gần 500.000 đồng mới đủ đi. Không chỉ giá xăng tăng, các mặt hàng khác cũng tăng theo, kể cả mì tôm cũng tăng. Trước đây, mỗi ngày chỉ khoảng 60.000-80.000 đồng tiền ăn và chi tiêu thì nay 100.000 đồng chưa đủ’’- anh Khánh chia sẻ.

Theo anh Khánh, mỗi tháng còn phải chi trả tiền trọ, điện nước gần 2 triệu đồng. Nhận tháng lương đầu tiên sau Tết, chi trả mấy khoản cơ bản chỉ còn được vài triệu đồng cho cả gia đình sinh hoạt hơn nửa tháng tiếp theo. “Cố gắng tiết kiệm, trang trải để cầm cự qua giai đoạn này thôi”- anh Khánh nói.

Chưa tăng tiền trọ và giá thịt cá, rau quả...

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, có khoảng 1,2 triệu lao động, tuy nhiên đa số là lao động ngoại tỉnh, phải ở trọ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, so với trước Tết, đến nay có khoảng 96% lao động đã trở lại nhà máy làm việc. Công việc sau Tết của người lao động có ổn định hơn, tuy nhiên trong thời buổi bão giá nên đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn. LĐLĐ Bình Dương kêu gọi các chủ trọ chưa tăng giá thuê phòng trong bối cảnh này, bên cạnh đó các tiểu thương cố gắng giữ giá cả để chia sẻ khó khăn chung với người lao động.

Theo ghi nhận, đầu năm 2022 tại Bình Dương giá thuê phòng trọ thuê chưa tăng. Trong khi đó, ở các khu chợ đông công nhân lao động, nhiều tiểu thương cũng không vì việc xăng tăng giá mà ồ ạt tăng giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, cá. 

“Hiện giá xăng tăng, giá bịch nylon cũng tăng đẩy chi phí lên. Tuy nhiên chúng tôi chưa tăng giá thịt lợn, vẫn bán giá như trước Tết cho công nhân lao động. Ở gần với người lao động nên thời gian qua, chúng tôi hiểu họ sống vất vả khổ sở ra sao. Vì vậy mình lấy ít lời hơn một chút để chia sẻ với mọi người trong lúc này” - chị Vụ Thị Giang, quê Hà Nội, tiểu thương buôn bán thịt lợn tại chợ tại chợ Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương chia sẻ.

Chị Trần Thị Mỹ (35 tuổi, quê Thái Bình, tiểu thương buôn bán cá) cũng chia sẻ: “Dù giá xăng tăng, đẩy chi phí nhập hàng về cũng cao hơn. Khách hàng chủ yếu là công nhân làm việc trong KCN Mỹ Phước, thời gian qua vì dịch bệnh bùng phát họ đã quá khổ rồi. Mình chứng kiến nhiều hoàn cảnh tội lắm, nên cố gắng giữ giá bán như trước Tết. Thôi thì mình ăn ít đi một tí chia sẻ với công nhân”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn