MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân sản xuất “3 tại chỗ” tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. Ảnh: Đ.T

Bình Dương vào cuộc gỡ khó để doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Đình Trọng LDO | 09/10/2021 10:00
Tỉnh Bình Dương đã cho phép doanh nghiệp mở cửa hoạt động. Tuy nhiên quá trình thực hiện, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc hoàn thiện hồ sơ rồi chờ “xin, cho” làm chậm quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp.

Quá trình tái sản xuất bị chậm lại

Hiện nay trên toàn tỉnh Bình Dương mới có khoảng 3.500 doanh nghiệp đăng ký các phương án và thực hiện hoạt động sản xuất. Ban Quản lý khu công nghiệp Bình Dương cho biết, đơn vị đang hướng dẫn cho các doanh nghiệp đăng ký phương án sản xuất trong tình hình mới.

Theo quy định, doanh nghiệp có thể chọn một trong ba phương án sản xuất gồm “3 tại chỗ, 3 xanh và 3 tại chỗ linh hoạt”. Doanh nghiệp hoạt động trở lại phải đảm bảo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn’’.

Các doanh nghiệp cho rằng, mỗi phương án trên đều có những hạn chế và rủi ro. Đối với “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều chi phí phòng dịch, ăn ở sinh hoạt của người lao động, việc công nhân ở lâu trong nhà máy tâm lý không ổn định cũng ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Về phương án “3 tại chỗ linh hoạt” thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải gánh thêm chi phí về thuê mướn chỗ ở, vận chuyển người lao động. Đối với phương án “3 xanh”, các doanh nghiệp nghĩ nhiều đến rủi ro về lây nhiễm dịch bệnh ở nhà trọ không đảm bảo không gian sinh hoạt và quản lý người lao động. 

Ngoài những trở ngại trên, dù làm theo phương án nào thì doanh nghiệp cũng phải lập cả một hệ thống hồ sơ phòng dịch, rồi trình nộp các cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, các đơn vị liên quan xem xét hồ sơ, nếu chưa đủ thì trả lại, đủ rồi mới tổ chức thẩm định, lấy ý kiến. Quá trình này, nếu thuận lợi mất từ 3-5 ngày doanh nghiệp thì được cho phép mở cửa. Trường hợp hồ sơ còn sai sót, bổ sung mất từ 7-10 ngày.

Các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đều bày tỏ lo ngại, quá trình làm hồ sơ và thẩm định sẽ “vẽ” thêm thủ tục hành chính.  Đó là chưa kể những khó khăn trong quá trình nhập nguyên vật liệu, vận chuyển hàng hóa... có thể làm chậm việc tái sản xuất của doanh nghiệp. 

Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - cho rằng, quy trình trên yêu cầu nộp hồ sơ phải được xét duyệt mới cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất. Trong khi đó không có hướng dẫn cụ thể, không có tiêu chuẩn rõ ràng để xét duyệt.

“Nếu vậy chính quyền căn cứ điều gì để xét duyệt”? - ông Hiệp đặt ra câu hỏi. Theo ông Hiệp, hầu hết các công ty có xu hướng mong muốn cơ quan chức năng “thực hiện hậu kiểm”. Doanh nghiệp vừa chuẩn bị (nguyên vật liệu, lao động...) cho quá trình tái sản xuất, vừa tổ chức các biện pháp phòng dịch. Sau đó các cơ quan liên quan của nhà nước sẽ kiểm tra và hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh phòng dịch tốt hơn. Việc này mới hướng đến tinh thần “thích ứng an toàn với dịch bệnh” khi vào trạng thái bình thường mới.

Có thể thực hiện hậu kiểm

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hai ngày qua lãnh đạo tỉnh liên tiếp họp với các sở ngành và gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình mở cửa hoạt động để khôi phục kinh tế.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - chỉ đạo, các sở ngành và địa phương “vùng xanh’’ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi vào hoạt động kèm theo hướng dẫn, phương án phòng chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp mở cửa trở lại sau khi có phương án sản xuất, các đơn vị chức năng sẽ thực hiện công tác hậu kiểm sau đó.

Trong thời gian tới, khi đã tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine cho người lao động ở “vùng xanh” doanh nghiệp “3 tại chỗ” có thể trở lại sản xuất bình thường. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Y tế đã tổ chức Trạm y tế lưu động trong cụm và khu công nghiệp có trên 7.000 lao động.

Bên cạnh đó các địa phương cũng sẽ thành lập đội phản ứng nhanh xử lý F0. Khi nhà máy phát sinh ca nhiễm lúc này sẽ xử lý nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh đang đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 2 cho toàn dân, trong đó ưu tiên vaccine cho người lao động ở doanh nghiệp. Khi người lao động trong doanh nghiệp đã tiêm đủ vaccine thì việc sản xuất an toàn sẽ thuận lợi hơn. UBND tỉnh Bình Dương cũng cho phép doanh nghiệp tự test nhanh COVID-19 người lao động để kiểm tra đảm bảo đầu vào nguồn lao động phải “xanh”. Việc xét nghiệm mỗi tuần 2 lần cũng cần phải duy trì trong giai đoạn đầu để bảo vệ “vùng xanh”, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - kêu gọi doanh nghiệp trở lại sản xuất. Tuy nhiên đề nghị các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn