MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động nhà máy dệt thuộc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam phản ánh việc họ bị lãnh đạo doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài (ảnh chụp tháng 2.2023). Ảnh: Hà Anh

Bổ sung nhiều chế tài nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH

Hà Chi LDO | 30/03/2024 07:40

Theo Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chủ yếu tập trung khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh (chiếm khoảng 70-80% tổng số tiền chậm đóng); khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI chiếm dưới 10%.

Chậm, trốn đóng BHXH trên 13.000 tỉ đồng

Thực trạng chậm đóng, trốn BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được lý giải do nhiều nguyên nhân, trong đó có ý thức, trách nhiệm của một số người sử dụng lao động, chấp hành pháp luật chưa nghiêm, có trường hợp cố tình vi phạm; về tổ chức thực hiện, chưa quản lý được chính xác số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, các giải pháp đốc thu còn chưa thực sự hiệu quả; sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền của một số địa phương, còn chưa thật sự quyết liệt trong việc xử lý dẫn đến tình trạng chậm đóng thời gian dài dẫn đến khó thu hồi; về mặt quy phạm, một số quy định đã có nhưng vướng mắc, khó khăn trong thực hiện…

Theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam cho thấy, mặc dù tỉ lệ số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm - năm 2016 chiếm 3,75% đến năm 2022 là 2,91% và năm 2023 là 2,69% nhưng về con số tuyệt đối thì số tiền chậm đóng tăng qua từng năm, đến năm 2023, con số này đã lên đến trên 13 nghìn tỉ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng).

Cấm xuất cảnh, nhập cảnh nếu trốn đóng BHXH

Vừa qua, tại hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ” do Tổng LĐLĐVN tổ chức, đại diện Vụ Bảo hiểm Xã hội cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), có nhiều biện pháp, chế tài được đề xuất nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Trong đó bổ sung quy định về “Ngày đóng BHXH bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động” (Khoản 6 Điều 33). Bổ sung quy định cụ thể đối với 2 hành vi, chậm đóng BHXH bắt buộc và trốn đóng BHXH bắt buộc (Điều 37 và Điều 38), trong đó quy định việc chuyển hóa từ hành vi chậm đóng sang hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc. Bổ sung quy định về đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc (tại Điều 34), trong đó cơ quan BHXH sẽ đôn đốc bằng văn bản khi người sử dụng lao động chậm đóng, vi phạm pháp luật về kê khai, đăng ký tham gia BHXH bắt buộc... Bổ sung 2 điều quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng và trốn đóng BHXH bắt buộc (Điều 39 và Điều 40).

Theo đó, đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH; xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật (chỉ áp dụng đối với hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc); không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Đặc biệt, để bảo vệ NLĐ trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đã bổ sung 1 điều (Điều 41) quy định cơ quan BHXH xác nhận tạm thời thời gian đã đóng BHXH khi có yêu cầu của NLĐ làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH, xác nhận bổ sung và điều chỉnh mức hưởng khi thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn