MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đã tổ chức cho F1 đi làm bình thường. Ảnh minh họa: Nam Dương

Bộ Y tế sửa quy định, doanh nghiệp mới dám cho F0 đi làm

Nam Dương LDO | 30/03/2022 11:00
Tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã cho phép người tiếp xúc gần (F1) đi làm, nhưng tỏ ra rất thận trọng khi đề cập đến việc cho F0 được đi làm vì cho rằng Bộ Y tế vẫn còn quy định F0 phải cách ly.

“Không cho F1 đi làm thì lấy đâu ra người làm”

Ông Phạm Hồng Phú - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp caosu miền Nam - cho biết, công ty bố trí cho F1 đi làm bình thường với tỉ lệ 30-50% và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Trương Hoàng Tâm - Chủ tịch CĐ Công ty CP In số 7 - cũng cho biết, công ty này cho phép F1 được đi làm và bố trí cho làm chung ca với F0 đã khỏi bệnh. Sau 5 ngày, F1 test lại và nếu âm tính sẽ được làm việc bình thường.

Phó giám đốc một công ty chuyên gia công giày với hơn 4.000 lao động ở quận Bình Tân, TPHCM thì thẳng thắn nói: “Không cho F1 đi làm thì lấy đâu ra người mà làm”. Theo vị này, trong lúc doanh nghiệp rất thiếu hụt lao động thì việc cho F1 đi làm là bình thường. 

Còn ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Cty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TPHCM) - cho rằng, việc doanh nghiệp cho F1 đi làm là hoàn toàn có thể thực hiện được. “CĐ sẽ phổ biến và nhắc nhở NLĐ thực hiện đúng hướng dẫn như văn bản của UBND TPHCM để bảo đảm cho sức khỏe của chính bản thân NLĐ cũng như an toàn môi trường làm việc của nhà máy”, ông Hồng nói.

Sửa quy định thì F0 không triệu chứng mới được công khai đi làm

Ông Phạm Hồng Phú cho rằng, nếu để F0 làm việc chung với người khác thì tâm lý của những người chưa bị nhiễm cũng lo ngại. Trong khi đó, số người bị F0 vẫn lẻ tẻ nên doanh nghiệp chưa thể bố trí một dây chuyền riêng cho F0 làm việc. 

Ông Nguyễn Minh Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần In số 7 - cho biết, để phòng, chống lây nhiễm COVID-19 trong doanh nghiệp và tạo điều kiện cho NLĐ, Cty có bố trí một khu vực riêng để cách ly F0 hay F1. Tuy nhiên, F0 vẫn cần được cách ly, nghỉ ngơi. “Với những F0 có thể làm việc online thì công ty bố trí làm việc ở nhà và nếu vẫn hoàn thành công việc thì được trả lương bình thường. F0 mà công việc bắt buộc phải làm việc tại doanh nghiệp thì vẫn phải cách ly, chỉ khi nào xét nghiệm âm tính thì mới được vào công ty làm việc”, ông Trung nói.

Nhìn từ góc độ pháp luật, chủ tịch CĐ một doanh nghiệp có khoảng 10.000 lao động ở huyện Củ Chi cho rằng, hiện theo quy định của Bộ Y tế, COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm gây dịch và vẫn yêu cầu F0 phải cách ly, thực hiện các biện pháp phòng dịch. Thực tế, nếu CN bị F0 nhưng vào nhà máy không khai báo thì doanh nghiệp cũng không thể biết để cách ly. “Vì vậy, nếu vẫn quy định như hiện nay thì F0 thể nhẹ, không triệu chứng vẫn chưa được đi làm. Nếu lao động là F0 mà đi làm thì vô hình chung cả NLĐ và doanh nghiệp đều vi phạm pháp luật. Để F0 thể nhẹ, không triệu chứng được công khai đi làm thì Bộ Y tế cần sửa quy định”, vị này nói.

Nên giao quyền quản lý F0 đi làm cho công ty

PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TPHCM cho biết, với tình hình người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và dù có nhiễm lần thứ 2 thì tỉ lệ chuyển nặng rất thấp, chính vì vậy đây không phải là thời điểm lo sợ. Mặt khác, vì lượng F0 hiện nay quá lớn, nếu F0 nghỉ làm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung, năng suất lao động.”Theo tôi việc cho phép F1, F0 đi làm là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực hiện tốt 5K”, ông Phúc nói.

BS Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ cũng cho rằng: “Hiện nay, có nhiều F0 nhẹ không có triệu chứng nên không biết mình dương tính và vẫn đi làm bình thường. Điều này cho thấy, chỉ cần người mang bệnh đeo khẩu trang và thực hiện chặt 5K tại nơi làm việc thì khả năng lây nhiễm rất thấp, thậm chí là không có”. 

Bác sĩ Khanh cũng cho biết, nếu cho F0 đi làm thì giao quyền quản lý F0 cho công ty; F0 đi làm là tự nguyện và có sự thoả thuận giữa hai bên.  Nguyễn Ly

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn