MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Văn Cường - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Bốn vấn đề cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định

Hà Anh (ghi) LDO | 23/10/2019 12:50

Ông Bùi Văn Cường - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm định về sửa đổi Bộ luật Lao động đã chuẩn bị kỹ lưỡng công phu, trách nhiệm. 

Tuy nhiên, có 4 vấn đề mà ông Bùi Văn Cường nghĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định, để đảm bảo chính sách của Đảng, Nhà nước phải hướng tới chăm lo cho người dân, bảo vệ quyền con người, bảo vệ nhóm yếu thế, thể hiện tính nhân văn và đảm bảo đúng định hướng Xã hội chủ nghĩa. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Bùi Văn Cường nêu:

Thứ nhất: Về thời giờ làm việc bình thường khu vực doanh nghiệp cần xem xét rút ngắn xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần, để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc bản thân, gia đình và nâng cao trình độ. Đồng thời cũng để đảm bảo công bằng về lao động giữa khu vực hành chính nhà nước và khu vực doanh nghiệp. 4 giờ được nghỉ theo luật, nếu doanh nghiệp huy động người lao động đi làm thêm thì sẽ được trả lương ít nhất tăng gấp đôi so với giờ làm việc bình thường để tăng thêm thu nhập.

Thứ hai: Về giờ làm thêm, tôi cho rằng có thể cho phép mở rộng khung ở một số khu vực đặc thù, để doanh nghiệp không vi phạm luật nhưng tiền lương phải trả theo lũy tiến, 100 giờ làm thêm đầu tiên trả lương 200%, 100 giờ tiếp theo (200 giờ làm thêm) trả lương 250%, 100 giờ tiếp theo (300 giờ làm thêm) trả lương 300% và 100 giờ làm thêm cuối cùng (400 giờ) trả lương 400%. Để người lao động có thêm thu nhập. Doanh nghiệp sẽ cân nhắc khi tăng giờ làm thêm.

Thứ ba: Về Tổ chức khác của người lao động tại doanh nghiệp cần lưu ý việc quy định số lượng thành viên cần có để đảm bảo tính đại diện và đảm bảo không có quá nhiều tổ chức của người lao động trong một doanh nghiệp. Việc này có thực tiễn ở một vài nước trong khu vực ASEAN, tình hình rất phức tạp. Theo tôi, Chính phủ phải quy định có ít nhất 30% lao động của doanh nghiệp tham gia thì mới được thành lập tổ chức. Nếu một doanh nghiệp có quá nhiều tổ chức của người lao động thì quan hệ lao động sẽ rất phức tạp. Tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về an ninh trật tự.

Thứ tư: Tôi đồng ý về tăng tuổi nghỉ hưu theo dự thảo ở từng khu vực, người lao động trực tiếp có thể nghỉ sớm hơn 5 năm. Cần có thêm 1 ngày nghỉ vào Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 và cần xem xét bổ sung quy định về bữa ăn ca cho người lao động trong dự thảo luật.

Vì chất lượng cuộc sống, sức khỏe, gia đình và các vấn đề xã hội khác của số đông người lao động, Quốc hội cần cân nhắc xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn