MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chuẩn bị bữa tối tại phòng trọ. Ảnh: Lương Hạnh

Bữa ăn ca - không thể cho qua bữa

Hạnh Lương LDO | 23/09/2022 06:00
Làm việc trong nhà máy từ 8-12 tiếng mỗi ngày, bữa ăn ca trở thành bữa ăn chính của công nhân. Song, thực tế hiện nay, nhiều công nhân vẫn chỉ cố “ăn cho qua bữa”. Họ hy vọng bữa ăn được đầy đủ hơn, chất lượng hơn để có sức khỏe làm việc.

Chúng tôi gặp công nhân Cổ Thị Hướng (SN 1990, quê Lào Cai) khi chị đang chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Đã từ lâu, gia đình chị mới có một bữa cơm đầy đủ 3 người. Chồng chị thường làm ca đêm, còn chị làm ca hành chính từ 7h sáng đến 17h.

Công nhân làm hành chính như chị Hướng được công ty hỗ trợ một bữa ăn trưa. “Bữa ăn ở công ty tuy không ngon miệng nhưng vẫn phải ăn, vì có ăn thì mới có sức để làm việc. Sức ăn của tôi yếu hơn những công nhân khác, nhiều khi ăn chỉ cho qua bữa” - chị Hướng bày tỏ.

Đi làm 21-25 ngày/tháng, chị Hướng nhận lương khoảng 6,8 triệu đồng. Ngoài các khoản chi tiêu trong gia đình, chị phải dồn tiền để chữa bệnh cho con trai mới lên lớp 1. Nói chuyện với chúng tôi, ánh mắt nữ công nhân liên tục hướng vào cậu con trai của chị. Dù mới 6 tuổi nhưng con trai chị đã phải trải qua 4 cuộc phẫu thuật.

Hai vợ chồng chị Hướng làm lệch ca nên chị ít khi nấu cơm. Để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt, bữa tối của chị thường là những đồ ăn còn lại của chồng. “Trước khi đi làm ca đêm chồng tôi sẽ nấu ăn trước. Anh ăn xong đi làm, tôi sẽ ăn nốt số thức ăn còn lại. Nếu con trai ăn ở trường rồi thì tôi sẽ ăn mì tôm” - chị Hướng tâm sự.

Từng “nhảy” qua nhiều công ty khác nhau trong 7 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Hướng cũng trải nghiệm rất nhiều bữa ăn tại các công ty. “Tôi đã từng làm việc tại một công ty chăm lo rất kỹ bữa ăn cho công nhân. Ngoài thức ăn ngon, đồ tráng miệng đa dạng, công ty còn cung cấp sữa hộp, sữa chua... Nhưng cũng không ít công ty bữa ăn ca rất tệ. Tôi làm nhiều công ty và nhận thấy sự chênh lệch đáng kể bữa ăn giữa công ty này với công ty khác. Công nhân ai cũng mong muốn bữa ăn ca đảm bảo để có sức lao động” - chị Hướng nói

Đi làm ca 1 (từ 5h đến 15h), chị Nguyễn Bình (SN 1987) được ăn trưa vào khoảng 10h. Song, chất lượng thức ăn tại công ty không hợp khẩu vị với chị cũng như những công nhân khác. “Công nhân cùng làm với tôi cố ăn để đủ sức làm việc chứ họ không thật sự hài lòng. Có những bữa tôi chỉ uống tí nước canh, ăn ít cơm. Bữa tôi cảm thấy ngon nhất là có bí xanh luộc với trứng rán. Lâu lâu cải thiện thì có thêm hộp sữa chua” - chị Bình tâm sự.

Những ngày tăng ca, sau khi đã làm việc quay cuồng trong nhà máy, quay về phòng trọ chị Bình chỉ mong sớm chìm vào giấc ngủ. Cũng vì thế, phòng trọ của chị không có tủ lạnh, không có bếp gas... chỉ có một bình siêu tốc dùng để đun nước pha mì tôm. Sống một mình, chị Bình càng không thiết tha với việc đi chợ, nấu cơm.

“Cơm ngon hay không công nhân cũng không dám phản ánh, càng không dám nói mặc dù bữa ăn ở công ty rất quan trọng với công nhân. Tôi hy vọng các công ty sẽ cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn để công nhân đủ năng lượng, có sức khỏe đảm bảo để làm việc” - chị Bình đề xuất.

Năm 2022, LĐLĐ Thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu tăng mới doanh nghiệp đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca thực hiện theo quy định tại Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18.01.2022 của BCH Tổng LĐLĐVN về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25.02.2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Cụ thể về mức giá trị bữa ăn ca của NLĐ từ bằng hoặc hơn 20.000 đồng/suất nếu doanh nghiệp tự tổ chức nấu bữa ăn ca cho NLĐ; từ bằng hoặc hơn 25.000 đồng/suất, nếu doanh nghiệp thuê đơn vị dịch vụ cung cấp suất ăn ca cho NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn