MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân trong một KCN ở tỉnh Bạc Liêu đi chợ sau giờ tan ca. Ảnh: Hạnh Phương

Bữa cơm của người lao động ngày càng ít dinh dưỡng

NHẬT HỒ LDO | 12/03/2022 07:00
Để vượt qua thời bão giá như lúc này, người nghèo, công nhân “hậu COVID-19” đành phải “thắt lưng buộc bụng” với những bữa cơm mỗi ngày một kém dinh dưỡng...

Trần Thanh Viết, ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng làm công nhân may tại Nhà máy tỉnh Bạc Liêu. Doanh nghiệp này nhiều lần hạn chế do có công nhân nhiễm COVID-19. Sau Tết hoạt động trở lại, lương, thưởng vẫn đầy đủ, nhưng Viết không dám thuê nhà trọ mà ở nhà cha mẹ mình cách đó trên 13km.

Viết lý giải: “Sau Tết vật giá leo thang quá, hết xăng dầu, rồi gas, thực phẩm đều tăng nên đời sống công nhân khó khăn lắm. Sắp tới giá xăng dầu tăng, vật giá sẽ tiếp tục tăng nữa, chúng tôi càng lo lắng hơn”.

Chị Trần Kim Hoàng, ngụ phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Những năm trước, sau tết là giá cả hạ nhiệt, năm nay, dù qua Tết đã lâu nhưng một số mặt hàng đều tăng: Mì gói, dầu ăn, đường, rau củ... Nếu trước đây, chi tiêu tiền chợ mỗi ngày chưa đến 100.000 đồng thì giờ đây phải tăng lên gần gấp đôi. Để trang trải chi phí sinh hoạt trong hoàn cảnh giá cả biến động tăng như hiện nay không dễ dàng chút nào”.

Chọn cách tiết giảm chi phí tối đa chi tiêu cho gia đình, vợ chồng Trần Văn Hoàng không ăn cơm ngoài quán như mọi khi mà tự mua đồ nấu ăn. Anh Hoàng chia sẻ: “Vợ chồng tôi về quê xin cha mẹ dụng cụ nấu ăn, mua rau, cá từ dưới quê lên để nấu ăn nhằm giảm chi phí. Giờ nghe nói giá xăng tăng nữa không biết đến chừng nào giá cả mới bình ổn”.

Giá cả tăng không những ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà ngay cả các tiểu thương, hộ kinh doanh cũng gặp khó không kém. Chị Huỳnh Hoa, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ tại chợ phường 1, thành phố Bạc Liêu, cho biết: “Từ sau Tết đến nay, giá các mặt hàng rau củ đều tăng từ 2.000-10.000 đồng/kg tùy loại. Do giá nhập vào cao nên bán ra cũng phải tăng, vì vậy sức tiêu thụ hiện nay khá chậm. Tôi chỉ nhập hàng đủ bán chứ không dám dự trữ nhiều như trước”.

Nguyên nhân giá các mặt hàng thực phẩm, nông sản tăng không phải do khan người trồng tăng giá mà do khâu vận chuyển tăng đã đội giá hầu hết các mặt hàng này. Anh Trần Thiên Tân, chuyên làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa chia sẻ: “Giá xăng dầu tăng đến 30% so với trước Tết buộc chúng tôi phải tăng giá theo”.

Giá cả liên tục tăng đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là lao động thu nhập thấp.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, chính sách bình ổn giá chỉ áp dụng trong thời điểm trước, trong và sau tết đối với một số mặt hàng thiết yếu, theo danh mục. Hiện tại, Sở Công Thương không thể kéo dài việc bình ổn giá thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Chuyện giá tăng theo xăng dầu là điều khó tránh. Chính vì vậy cắt giảm tối đa chi phí sinh hoạt thường nhật để đảm bảo cuộc sống không bị thiếu hụt sẽ tiếp tục kéo dài đối với công nhân lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn