MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch CĐ Dệt May Hà Nội - làm việc với công nhân Cty CP Dệt 19-5 Hà Nội trưa ngày 12.10. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Bức xúc vì không được vào nhà máy làm việc

X.TRƯỜNG - V.HẢI LDO | 13/10/2017 07:29
Sáng 12.10, khoảng trên 40 công nhân Nhà máy Dệt Hà Nội (đóng tại 89 Lĩnh Nam, Hà Nội) trực thuộc Cty CP Dệt 19.5 Hà Nội đã không thể vào bên trong nhà máy để làm việc.

Các công nhân đã tập trung bên ngoài và yêu cầu lãnh đạo nhà máy giải thích vì sao chưa thỏa thuận xong bồi thường do di dời sản xuất đã bất ngờ đóng cửa dừng sản xuất. 

Chị Nguyễn Hồng Hằng và chị Bùi Thị Kim - hai trong số năm công nhân được Cty điều chuyển xuống nhà máy của Cty ở KCN Đồng Văn 1 (tỉnh Hà Nam) - cho biết: "Cty bố trí chúng tôi xuống làm việc ở Hà Nam, có chỗ ở, nhưng không có xe đưa đón, có thỏa thuận mức lương nhưng chưa thỏa đáng nên công nhân chưa đồng ý.

Trong khi đó, ngày 11.10, Cty thông báo nếu ai không đi thì tự viết đơn xin nghỉ việc, nếu quá 5 ngày không viết đơn coi như vi phạm kỷ luật của Cty và sẽ bị sa thải. Một số công nhân của Cty trước đó cũng đã nghỉ việc do nguyện vọng xin ở lại làm việc tại Nhà máy Dệt Hà Nội (đóng tại 89 Lĩnh Nam, Hà Nội) không được Cty chấp nhận, trong đó có một số công nhân đang thời gian nghỉ thai sản".

Theo chị Nguyễn Hồng Hằng và một số công nhân, sáng 12.10, khi toàn bộ công nhân đi làm thì nhà máy đã đóng cửa không để công nhân vào bên trong phân xưởng. Chị Hằng cho rằng, việc này là phá hợp đồng mà lãnh đạo nhà máy đã ký với công nhân vì chưa đạt được thỏa thuận, nhà máy đã ngừng sản xuất.

Trước đó, giám đốc nhà máy đã gọi các trưởng chuyền vào bên trong và đề nghị giao lại chìa khóa tuy nhiên họ không có ý kiến gì về thỏa thuận công việc và cả việc di dời sản xuất của nhà máy.

Cũng theo chị Hằng, công nhân làm việc tại nhà máy thu nhập trung bình khoảng 4-5 triệu đồng/tháng nhưng khoảng hai tháng nay còn 2-3 triệu đồng do một số khâu thiếu việc. Nhiều công nhân một tuần chỉ làm việc khoảng 3 ngày. Một số công nhân khác cho biết, do bức xúc với lãnh đạo nhà máy, nên họ đã viết đơn để thanh lý hợp đồng lao động.

Ngay khi sự việc xảy ra, bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch CĐ Dệt May HN và ông Nguyễn Tiến Thanh - Ủy viên thường vụ CĐ Dệt May Hà Nội - đã có mặt tại Nhà Máy Dệt HN để ổn định tình hình, đồng thời đã làm việc với lãnh đạo và công nhân nhà máy.

Sau khi nghe ý kiến của công nhân và ý kiến của bà Trần Thị Hồng Thịnh - Giám đốc Nhà máy Dệt Hà Nội, bà Hồng đã giải thích một số thắc mắc của công nhân. Bà Hồng cho biết, về lý, Cty có quyền điều chuyển công nhân trong Cty và người lao động trong Cty phải chấp hành.

Bà Hồng cho rằng, người lao động nên thỏa thuận với người sử dụng lao động; nên cử đại diện đối thoại, làm việc và thỏa thuận với Cty để được hưởng quyền lợi cao hơn so với luật quy định là một năm công tác được một tháng lương.

Cũng theo bà Hồng, CĐ Dệt May Hà Nội sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo Cty và công nhân để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hiện nay, nhiều người lao động của Cty CP Dệt 19-5 Hà Nội đã lớn tuổi; đây là những người lao động đã có nhiều năm gắn bó với Cty. Nhiều người có nguyện vọng được làm việc với Cty vài ba năm nữa để có đủ điều kiện nghỉ hưu, bởi ở lứa tuổi đó nếu chấm dứt hợp đồng lao động với Cty sẽ khó xin làm việc được ở chỗ khác. Mong rằng, lãnh đạo Cty xem xét nguyện vọng, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn