MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cà Mau tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm nhưng số đăng ký xuất khẩu lao động không nhiều. Ảnh: NHẬT HỒ

Cà Mau gặp khó trong xuất khẩu lao động

NHẬT HỒ LDO | 08/06/2019 14:09

Hạn chế về trình độ, công tác tổ chức chưa thật sự tốt, công tác tuyên truyền chưa được chú ý, kinh phí thực hiện thấp… - đó là những nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu lao động ở Cà Mau đạt được kết quả rất thấp.

Có đề án cũng… như không

Theo đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2018 - 2020, đến năm 2010, Cà Mau phải xuất khẩu hơn 1.260 lao động. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện đề án đang “giậm chân tại chỗ”. Từ đầu năm đến nay, tỉnh này chỉ mới có 66 lao động xuất cảnh, đạt 16,5% kế hoạch. Đã vậy, số lượng lao động đăng ký tham gia đề án trong năm 2019 đạt thấp so với chỉ tiêu được giao. Cụ thể có 70 lao động đăng ký (bao gồm số lao động đã xuất cảnh) so với chỉ tiêu xuất khẩu 400 lao động.

Qua gần 2 năm triển khai đề án, cả về tiến độ, số lượng ứng viên, chất lượng ứng viên tham gia và số người đã xuất khẩu lao động đều không đạt theo kế hoạch. Huyện Năm Căn hiện chỉ có 18 ứng viên tham gia đề án xuất khẩu lao động, thực tế mới chỉ đi được 4 ứng viên. Huyện Phú Tân cũng trong tình trạng tương tự khi số ứng viên tham gia chưa đạt yêu cầu.

Huyện Trần Văn Thời là địa phương có lượng ứng viên tương đối đông, với 25 ứng viên đã đạt yêu cầu phía sử dụng lao động, tham gia các lớp đào tạo để chuẩn bị xuất khẩu lao động. Huyện Đầm Dơi được giao chỉ tiêu là 45 lao động, hiện đăng ký 47, đã đi 5 người và đang phỏng vấn thêm 3 ứng viên nữa. Huyện Ngọc Hiển cũng chỉ có 3 lao động đã xuất khẩu.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Bạc Liêu cũng mới đưa được 120 lao động đi nước ngoài. Tại Sóc Trăng, con số này là hơn 100 lao động.

Có thật sự quá khó?

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Cà Mau Trương Linh Phượng cho biết: “Trong năm 2018, tổng cộng có 586 ứng viên, trong đó 66 lao động đã xuất khẩu. Năm 2019, ngành phối hợp với các trường, các địa phương mở được ba lớp với 243 cán bộ tập huấn về nội dung đề án. Đồng thời, đề án được lồng ghép vào các chương trình an sinh - xã hội”.

Theo bà Phượng, nguyên nhân chính là do nhận thức của lao động còn thấp, một số địa phương chưa thật sự xem công tác này là trọng tâm. Việc tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động đi đòi hỏi thời gian dài, người lao động cũng chưa biết chắc mình có được đi hay không. Chính điều này làm cho đề án gặp khó.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định: “Đây là cơ hội đổi đời, là công ăn việc làm, UBND tỉnh đã giải quyết từ cơ chế chính sách cho đến các vấn đề hết sức cụ thể. Vậy, tại sao lại vướng? Công tác tuyên truyền có vướng mắc gì không? Nếu không có ứng viên tham gia, làm sao có người xuất khẩu lao động”.

Để đạt con số 400 người xuất khẩu sang thị trường lao động nước ngoài theo đề án của Cà Mau không không hề dễ. Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Bạc Liêu Trần Thanh Vũ nhận định: “Bạc Liêu đã cố gắng đưa lao động đi những thị trường truyền thống, sau đó mới thăm dò thị trường ở các nước có đòi hỏi khắt khe. Chúng tôi không đặt mục tiêu xuất khẩu lao động cho bằng được mà mục tiêu là tạo cơ hội để lao động có việc làm, thu nhập cao, giải quyết được công ăn việc làm cho bản thân, gia đình”.

Hiện nay thị trường lao động các nước, đặc biệt là Nhật Bản đang rất cần lao động. Cà Mau mỗi năm có đến trên 30.000 người đi các tỉnh khác lao động với nhiều ngành nghề khác nhau, thu nhập không đáng kể. Trong khi đó, đi lao động nước ngoài có thu nhập ổn định. Cái khó lớn nhất của LĐ Cà Mau là trình độ ngoại ngữ hạn chế. Trong khi đó, việc đào tạo không phải dễ, đòi hỏi có thời gian.

Bà Trương Linh Phượng - GĐ Sở LĐTBXH Cà Mau

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn