MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động trên biển luôn thiếu hụt tạo đất sống cho “cò ngư phủ”. Ảnh minh họa của NHẬT HỒ

Cà Mau: Tuyển lao động rồi... bán làm ngư phủ

NHẬT HỒ LDO | 28/05/2018 06:45
Lợi dụng tình trạng thiếu hụt lao động đi biển, một số đối tượng đi TPHCM thu gom người rồi bán cho một số đầu nậu. Khi xuống ghe, các ngư phủ mới biết mình bị lừa mang nợ số tiền lớn.

Đường dây bất chính

Ngày 26.3, Đồn Biên phòng Sông Đốc, Cà Mau nhận được điện thoại cầu cứu của thuyền viên Trương Kỳ Phương (sinh năm 1971, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) với nội dung, ông Phương bị các đối tượng lừa bán đi làm thuyền viên trên tàu cá KG 1908 TS đang được bố trí đưa vào cửa Sông Đốc bằng đò dọc.

Quá trình tuần tra, kiểm soát phát hiện phương tiện đò dọc không số do Cao Thanh Ngoan (SN 1991, ở ấp Đất Biển, xã Phong Điền) điều khiển. Trên phương tiện có chở 10 người từ ngoài biển vào cửa Sông Đốc.

Làm việc với cơ quan chức năng, 10 người đi trên phương tiện đò dọc gồm: 7 người (Phương, Trang, Linh, Tiến, Thắng, Dân, Phong) là thuyền viên đi trên phương tiện KG 1908 TS của ông Thái Văn Học (sinh năm 1964, ở Vĩnh Quang, Rạch Giá, Kiên Giang) do Nguyễn Chí Tâm (sinh năm 1990, ở Mỹ Thuận, Hòn Đất, Kiên Giang) làm thuyền trưởng.

3 người còn lại là Danh Mụi (sinh năm 1995, ở ấp An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang); Nguyễn Tấn Phước (tên gọi khác Thanh Hải, sinh năm 1986) và Nguyễn Văn Tập (sinh năm 1997, cả 2 cùng ở ấp Cái Bát, xã Tân Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) là các đối tượng ra nhận 4 người (Phương, Trang, Linh, Tiến) từ phương tiện KG 9108 TS để đưa về giao lại cho ông Danh Tuấn (sinh năm 1972 ấp An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Lý do 4 thuyền viên này không đảm bảo sức khỏe để đi biển.

Quá trình làm việc, phát hiện thêm 1 trường hợp là Lê Minh Quân (sinh năm 1994, ở xã Đồng Lạc, huyện Duy Linh, tỉnh Lâm Đồng) đến Trạm Kiểm soát biên phòng Sông Đốc trình báo bị đối tượng Mụi, Tuấn, Phước lừa gạt và đưa xuống Sông Đốc giao lại cho bà Hồ Thị Hiệp (sinh năm 1970, ở Khóm 7, TT. Sông Đốc, thường gọi là bà Tám Bảnh) với giá 7 triệu đồng. Lợi dụng lúc bà Hiệp dẫn ra cửa Sông Đốc đưa xuống tàu làm thuyền viên, Quân bỏ trốn và vào trình báo.

Qua điều tra, cơ quan nghiệp vụ Biên phòng Cà Mau phát hiện, đây là đường dây đưa người lao động làm ngư phủ một cách bất hợp pháp nhằm trục lợi hàng chục triệu đồng.

Lao động trên biển luôn thiếu hụt đang tạo đất sống cho các “cò” ngư phủ.Ảnh minh họa: NHẬT HỒ

Ăn tiền xương máu của lao động

Danh Mụi khai nhận, theo chỉ đạo của cha mình là Danh Tuấn, từ đầu năm 2018 đến nay, Mụi đã trực tiếp lên TPHCM tuyển mộ và nhận 30 người đưa về cho Tuấn để quản lý và đưa đi làm thuyền viên trên các phương tiện ở Kiên Giang và Cà Mau. Theo sự chỉ đạo của Tuấn, Mụi đã từng đưa 3 người từ Kiên Giang sang TT.Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) để giao lại cho chủ tàu cá, Mụi được chủ tàu cá trả 1,5 triệu đồng.

Riêng tại tỉnh Kiên Giang, Mụi đã trực tiếp giao người cho các chủ tàu cá tại Tắc Cậu - Kiên Giang khoảng 8 - 9 lần, mỗi lần 1 - 2 người. Sau khi thuyền viên lên tàu làm được việc khoảng 3 - 4 ngày thì chủ tàu sẽ ứng cho Mụi từ 8 - 10 triệu đồng, số tiền này do Mụi giữ và trừ vào chi phí ăn ở, đi lại và phí đi biển cho thuyền viên.

Ngoài Mụi ra, Nguyễn Tấn Phước khai nhận, khoảng tháng 9.2017, Phước có đưa mấy người anh em cùng quê xuống Tắc Cậu tìm tàu đi biển, Tuấn nghĩ Phước làm nghề “Cò ngư phủ” nên đã xin số điện thoại và dặn Phước khi nào có chủ tàu cá cần người đi biển thì liên hệ với Tuấn để nhận 20 triệu đồng. Còn bà Hồ Thị Hiệp khai nhận, ngày 17.3, Phước có điện thoại cho Hiệp trao đổi về việc giao Quân lại cho Hiệp để đưa đi làm ngư phủ với giá 7 triệu đồng, Hiệp đồng ý. Sau khi nhận Quân, Hiệp đã trả đủ 7 triệu đồng tiền mặt cho Phước tại nhà Hiệp (TT. Sông Đốc).

Quá trình điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, 7 người khai được một số đối tượng làm nghề xe ôm ở TPHCM dụ dỗ, hứa giới thiệu việc làm với mức lương từ 4-15 triệu đồng/tháng, sau đó đưa đến Bến Xe Miền Tây giao người hoặc trực tiếp xuống Kiên Giang giao người rồi được đưa về nhà của Tuấn, sau đó Tuấn đưa họ đi làm trên các tàu cá của Kiên Giang. Các nạn nhân cho rằng, mình không nợ nần gì Tuấn, Phước, Mụi.

Trước sự việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra cùng Viện KSND huyện Trần Văn Thời đã cử Kiểm sát viên và Điều tra viên đến đơn vị nghiên cứu hồ sơ, gặp người bị hại, đối tượng. Sau khi xem xét hồ sơ, Viện KSND và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trần Văn Thời nhận định, có dấu hiệu của tội phạm mua bán người nhưng chưa đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự, cần tiếp tục mở rộng điều tra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn