MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Tú Quỳnh

Các cấp Công đoàn đã cụ thể hóa, linh hoạt, sáng tạo

Tú Quỳnh LDO | 27/11/2020 09:32
Trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, ngày 26.11, Tổng LĐLĐVN đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm: Đánh giá hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ).

Phong trào có nội dung toàn diện, thiết thực

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ được Tổng LĐLĐVN phát động từ năm 1989. Đến nay, phong trào đã đi được chặng đường hơn 30 năm và đã trở thành phong trào truyền thống của nữ CNVCLĐ. Qua từng thời kỳ, các nội dung, tiêu chí thi đua được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Từ thực tiễn, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, các cấp CĐ đã linh hoạt, sáng tạo và cụ thể hóa thành các phong trào phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh đó, phong trào luôn có sự gắn kết với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Bằng sự gắn kết này, nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CBCCVCLĐ) xác định rõ ý thức trách nhiệm của mình trong công việc, tận tụy, gương mẫu, có nhiều đề tài khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật đánh giá: “Ban Nữ công CĐ các cấp chính là hạt nhân trong việc tham mưu cho CĐ cùng cấp tổ chức triển khai chỉ đạo phong trào. Qua đó, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ được tốt hơn”.

Bà Trịnh Thanh Hằng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN - cho biết, hằng năm, có trên 95% nữ CNVCLĐ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Thực tế, trong 5 năm (2015-2019) qua, đã có hàng triệu lượt cá nhân nữ, hàng trăm tập thể được tặng cờ thi đua và bằng khen của các cấp.

Căn cứ vào kết quả thực tiễn, các cấp CĐ đều khẳng định: Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” có nội dung toàn diện, thiết thực. Phong trào vừa đề cập đến trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của lao động nữ đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH). Đồng thời, phong trào cũng vừa nêu lên được chuẩn mực, tiêu chí phấn đấu của mỗi nữ CNVCLĐ, góp phần vào thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thông qua phong trào, nữ CNVCLĐ đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt trong lĩnh vực công tác; phát huy trí tuệ và năng lực thực hiện tốt chức năng người lao động, người mẹ, người vợ... từ đó khẳng định vị trí của bản thân trong gia đình và xã hội.

Cần phù hợp trước yêu cầu của thời kỳ mới

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tồn tại định kiến giới ở một số cơ quan, đơn vị và trong xã hội, cùng với nhiều vấn đề xã hội khác, đã tác động không nhỏ đến tâm lý, tình cảm của nữ CNVCLĐ. Điều này khiến phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” chưa thể phát triển đồng đều, mà mới chỉ tập trung chủ yếu trong đội ngũ nữ CNVCLĐ khối hành chính sự nghiệp, khối giáo dục. Ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, phong trào còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Mặt khác, tỉ lệ nữ CNLĐ trực tiếp sản xuất được khen thưởng còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng đông đảo nữ CNVCLĐ.

Trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đòi hỏi tiếp tục có sự điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo với các hình thức, nội dung phù hợp với thực tiễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn