MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xóm trọ của công nhân KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Bảo Hân

Các địa phương tăng tốc chi tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động

Bảo Hân LDO | 06/08/2022 14:07
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa thông tin, tính đến ngày 2.8, các địa phương mới phê duyệt cho 17.356 doanh nghiệp với 1,2 triệu lao động, tương đương 1/3 tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Dù còn nhiều địa phương chưa chi tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động nhưng vẫn một số địa phương có tỉ lệ giải ngân cao như Bắc Giang, Thái Nguyên…

Giải ngân cho người lao động bằng 98,3% số phê duyệt  

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang, đến 4.8, toàn tỉnh đã phê duyệt cho 323 lượt doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ 108.316 lượt LĐ với số tiền 54,921 tỉ đồng; đã cấp kinh phí để chi trả cho 310 lượt doanh nghiệp hỗ trợ cho 106.930 lượt LĐ với số tiền 54,039 tỉ đồng (bằng 98,3% so với số phê duyệt). 

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang - cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 08, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện.  

Trong đó, Sở LĐTBXH đã tập huấn, soạn và gửi tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện chính sách cho toàn bộ nhân sự của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ngay đầu tháng 4.2022; đồng thời công khai số điện thoại của cán bộ đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, cán bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc phát sinh.

Ngoài ra, sở cũng bố trí 1 tổ công tác thường xuyên xuống hỗ trợ các địa phương có nhiều doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các hồ sơ, không để chậm muộn.  

UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hàng ngày kiểm điểm, báo cáo tiến độ thực hiện và chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tại các huyện có khu công nghiệp và các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động.  

Hằng ngày, Ban quản lý các khu công nghiệp, BHXH tỉnh, UBND các huyện, thành phố đều trao đổi thông tin về doanh nghiệp đã nộp và chưa nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ để phối hợp đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ. 

Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh thường xuyên chỉ đạo công đoàn cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người lao động (NLĐ) nộp văn bản đề nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp; đôn đốc doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ; giám sát việc niêm yết công khai danh sách đề nghị hỗ trợ và việc chi trả chế độ hỗ trợ cho NLĐ. 

Vì sao chậm giải ngân? 

Vĩnh Phúc là một tỉnh nằm trong danh sách 29 tỉnh chưa giải ngân hỗ trợ cho người lao động. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 5.8, đối với hỗ trợ lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, số đã giải ngân là hơn 6,8 tỉ đồng (trong số đã được phê duyệt là 7,1 tỉ đồng).  

Số doanh nghiệp đã được giải ngân là 198 trên tổng số 207 doanh nghiệp đã được phê duyệt với số NLĐ đã được giải ngân là 10.352 (trên tổng số 10.521 người lao động đã được phê duyệt).  

Đối với hỗ trợ lao động quay trở lại thị trường lao động, số NLĐ đã được giải ngân là 345 người (trong tổng số 373 người đã được phê duyệt) của 40 doanh nghiệp. Kinh phí hỗ trợ đã được giải ngân cho những đối tượng này là 345 triệu đồng.  

Còn tại tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh - cho biết, theo báo cáo mà ông nắm được, cả tỉnh mới có 3 huyện Tam Nông, Cẩm Khê, thị xã Phú Thọ đề nghị hỗ trợ trên đầu mối 16 doanh nghiệp; số người thụ hưởng là 358 người tương đương số tiền trên 500 triệu đồng. 

Ông Phạm Sơn cho rằng, đối với gói hỗ trợ này, các cấp, ngành, công đoàn triển khai rất tích cực, quyết liệt, thành lập các nhóm đôn đốc, hướng dẫn, nhưng vấn đề quan trọng ở khâu NLĐ phải làm đơn, doanh nghiệp tổng hợp danh sách, không qua tổ chức công đoàn; tổ chức công đoàn chỉ tuyên truyền, giám sát quá trình này.  

Theo ông Sơn, LĐLĐ tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tới LĐLĐ các huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn các Khu công nghiệp và cấp CĐ này đã có văn bản triển khai tới các công đoàn cơ sở. 

“Nguyên nhân lớn nhất là số NLĐ ở trọ tại tỉnh Phú Thọ không nhiều” - ông Phạm Sơn nhận định và cho biết thêm hiện tại tỉnh vẫn đang đôn đốc triển khai gói hỗ trợ này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn