MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các doanh nghiệp không có hợp đồng nào đưa lao động sang Campuchia

ANH THƯ LDO | 23/06/2022 10:14
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay trong 6 tháng đầu năm, hơn 51.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, không có doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Campuchia theo hợp đồng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Trao đổi với PV, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, từ đầu năm đến thời điểm giữa tháng 6.2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người. 

Cụ thể, Nhật Bản có 32.053 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 15.633 lao động; Hàn Quốc là 1.209 lao động; Singapore có 853 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Tuy nhiên, trong số lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng không có thị trường Campuchia.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin thêm, Việt Nam và Campuchia có thỏa thuận hợp tác về lao động, đảm bảo pháp lý cho người lao động ở vùng biên và những người lao động đã, đang ở lãnh thổ của từng nước.

"Đến thời điểm này, các doanh nghiệp không có hợp đồng nào đưa lao động sang Campuchia" - ông Liêm nói.

Thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã nhận được phản ánh về việc nhiều lao động bị lừa đảo sang Campuchia làm việc với chiêu việc nhẹ, lương cao.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Người lao động có thể liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, danh sách các doanh nghiệp đều được đăng tải trên trang website của cục hoặc liên hệ với các cơ quan quản lý lao động tại địa phương nơi mình cư trú để được hướng dẫn thêm.

Trước đó, như Lao Động đã phản ánh, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cho biết, chỉ trong vòng hơn 2 tháng (từ tháng 4 đến nay), trên địa bàn đã có 27 nạn nhân là người địa phương đã bị lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia để làm việc tại các sòng bạc và bị cưỡng bức lao động.

Từ thực trạng trên, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn