MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Chi nhánh Công ty CP Dệt 19.5 Hà Nội tại Hà Nam phản ánh việc họ bị nợ BHXH kéo dài. Ảnh chụp tháng 2.2023: Hà Anh

Các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội 15.797 tỉ đồng

Hà Anh LDO | 20/07/2023 10:07

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến thời điểm 30.6.2023, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi là 15.797 tỉ đồng, chiếm 3,3% số phải thu. Tổng số đơn vị chậm đóng là 302.372 đơn vị tương ứng với hơn 4.541.850 người lao động.

Lao động cật lực… để lấy tiền mua thuốc chữa bệnh

Đó là trường hợp của chị Ngô Thị Huệ - công nhân Chi nhánh Công ty CP Dệt 19.5 Hà Nội tại Hà Nam.

“Đến thời điểm hiện nay, Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam vẫn nợ hơn 13 tỉ đồng tiền BHXH, BHYT, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động. Tôi đang phải điều trị bệnh Lupus ban đỏ, nhưng do công ty không đóng BHYT nên hàng tháng tôi phải bỏ ra số tiền từ 6-6,5 triệu đồng mua thuốc chữa bệnh; 3 tháng tôi lại ra Hà Nội để tái khám, tốn kém rất nhiều. Để có tiền mua thuốc, khám chữa bệnh, tôi đang phải lao động cật lực - ở đâu có việc là tôi xin vào làm, xin tăng ca... Nhiều lúc tôi rất tủi thân bởi mình vừa ốm đau, bệnh tật lại không có tiền để góp cho chồng nuôi 3 con ăn, học” - chị Huệ ngậm ngùi.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch Công đoàn nhà máy dệt thuộc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam nêu nguyện vọng là UBND tỉnh Hà Nam cần có các biện pháp quyết liệt, cứng rắn để phía Công ty Dệt 19.5 phải đóng các khoản nợ BHXH cho người lao động, bởi người lao động đã phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ trong thời gian qua…

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, từ ngày 18.2, Báo Lao Động đăng tải loạt bài “Công ty CP Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam: Vừa nợ lương, vừa chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài”. Trong loạt bài của Báo Lao Động có nêu nội dung, mặc dù người lao động gắn bó rất lâu với doanh nghiệp, người nhiều nhất là 17 năm, nhưng lãnh đạo công ty đối xử với người lao động rất tệ: Vừa nợ lương, vừa chậm đóng BHXH kéo dài khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Sau loạt bài của Báo Lao Động, ngày 20.7, bà Lê Thị Hiền - cho biết, người lao động tại nhà máy đã được nhận lương; tuy nhiên, công ty vẫn nợ hơn 13,4 tỉ đồng tiền BHXH.

Cần cho phép công đoàn các cấp được khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động là do ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; cố tình dây dưa, chây ì để chậm đóng BHXH tồn đọng, kéo dài.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng của chiến tranh ở Châu Âu diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, thiếu việc làm phải cho người lao động tạm thời ngừng việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động trong đó tập trung ở các doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy, sản xuất chế biến gỗ, xây dựng, kinh doanh bất động sản, lắp máy, linh kiện điện tử.

Nhiều doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động, không có khả năng tài chính đóng BHXH, BHYT dẫn tới chậm đóng khó thu.

Ngoài ra một số đơn vị thay đổi trụ sở kinh doanh, không thông báo với cơ quan BHXH làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thu, đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng BHXH. Một số đơn vị chây ì không khắc phục sai phạm mặc dù đã được thanh tra, đôn đốc thực hiện và xử lý vi phạm hành chính, kiến nghị khởi tố hình sự.

Theo ông Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai), để bảo vệ quyền lợi cho người lao động về BHXH thì cần phải cho phép công đoàn các cấp được khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng; các cơ quan tố tụng cho phép người lao động ủy quyền cho Công đoàn các cấp tham gia tố tụng hoặc ủy quyền cho Trung tâm thì chỉ cần có dấu xác nhận của người được ủy quyền là Công đoàn hoặc Trung tâm là hoàn tất việc ủy quyền…

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho rằng để khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHXH thì Chính phủ cần có Nghị định về xử lý số tiền chậm đóng đối với các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, chủ bỏ trốn. Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể về xử lý hình sự đối với các đơn vị trốn đóng theo Điều 216 Bộ Luật hình sự; các cơ quan chức năng không cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp trước đây đã hoạt động, có tham gia BHXH, BHYT mà bỏ trốn, yêu cầu các đơn vị phải khắc phục ngay tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT…

Chiều 21.7, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”. Hội thảo được tường thuật trực tuyến trên Báo Lao Động điện tử (laodong.vn), YouTube và Fanpage của Báo Lao Động; Báo Bảo vệ pháp luật điện tử (Baovephapluat.vn); Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn), Fanpage của Cổng thông tin điện tử Chính phủ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn