MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Thành Nhân

Các doanh nghiệp ở Tiền Giang nợ hơn 185 tỉ đồng bảo hiểm xã hội của người lao động

Thành Nhân LDO | 02/07/2024 16:21

Tính đến ngày 31.5.2024, có 1.555 đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động (NLĐ).

Ngày 2.7, nguồn tin của phóng viên Báo Lao Động cho biết, ông Võ Khánh Bình - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang - đã ký báo cáo tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tháng 5.2024.

Theo báo cáo này, tính đến ngày 31.5.2024, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 185,814 tỉ đồng.

Cụ thể, toàn tỉnh có 1.356 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng từ 1 tháng đến 6 tháng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), với số tiền là 40,603 tỉ đồng. Ngoài ra, có 199 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng trên 6 tháng BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền là 72,468 tỉ đồng.

Các đơn vị có số tiền chậm đóng lớn lại tiếp tục chậm đóng, chưa phối hợp với cơ quan BHXH để thanh toán số tiền chậm đóng như: Công ty cổ phần Châu Âu (18,451 tỉ đồng), Công ty TNHH Châu Á (6,662 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Hùng Vương (6,549 tỉ đồng), Công ty TNHH Hùng Vương MASCATO (5,013 tỉ đồng), Công ty TNHH Thủy Sản Thiên Hà (4,052 tỉ đồng), Công ty TNHH 1 TV SX-TM-DV Phan Thái Tuấn (3,663 tỉ đồng), Công ty TNHH Hải Quốc Cường (3,554 tỉ đồng), Công ty TNHH Cái Bè (1,733 tỉ đồng), Công ty TNHH Một thành viên Thới Long (1,657 tỉ đồng), Công ty TNHH Thủy sản Minh Thắng (1,122 tỉ đồng), Công ty TNHH TMDV An Phú TG (1,039 tỉ đồng)... Số tiền chậm đóng của các đơn vị này chiếm trên 28,8% tổng số tiền chậm đóng toàn tỉnh.

Theo BHXH tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới cơ quan này sẽ thực hiện nhiều giải pháp như gửi thông báo số tiền chậm đóng, số tiền phải thu hằng tháng theo quy định, thực hiện thanh tra chuyên ngành, đột xuất đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên. Hàng tháng chủ động gửi thông báo số tiền chậm đóng, số phát sinh trong tháng yêu cầu các đơn vị thực hiện trích nộp kịp thời.

Đối với đơn vị chậm đóng từ 2 tháng trở lên, BHXH tỉnh/huyện xây dựng kế hoạch đến trực tiếp hoặc mời các đơn vị lên làm việc, đề nghị đơn vị thực hiện đúng các quy định của nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN. Các đơn vị không phối hợp tiến hành gửi văn bản đôn đốc 10 ngày một lần.

Sau khi gửi công văn nhắc nhở hoặc thông báo của Tổ công tác liên ngành lần 1, lần 2 mà đơn vị vẫn không trích chuyển, Bảo hiểm xã hội tỉnh hoặc huyện đề xuất tiến hành thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên ngành trực tiếp tại đơn vị. Đồng thời, đề xuất đoàn thanh tra/kiểm liên ngành cấp huyện thực hiện trên địa bàn quản lý và đề xuất với tổ công tác liên ngành của tỉnh ký quyết định lập các tổ kiểm tra tăng cường kiểm tra tại các đơn vị vi phạm BHXH, BHYT, BHTN.

Đối với đơn vị chậm đóng khó đòi, đã làm nhiều biện pháp nhắc nhở, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính nhưng cố tình không thực hiện, BHXH lập danh sách chuyển Công an tỉnh phối hợp xử lý theo quy định - báo cáo nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn