MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Đình Quảng - Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN trao đổi với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Hải Nguyễn

Các doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn: Quyền lợi về bảo hiểm xã hội của hàng trăm nghìn người lao động bị "đóng băng"

Việt Lâm LDO | 17/02/2023 09:24

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Đình Quảng (Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN) cho rằng, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đã diễn ra nhiều năm nay và “chưa có hồi kết”. Đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các DN chậm đóng BHXH có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN khoảng 22.000 tỉ đồng

Theo ông Quảng, qua thông tin từ các cấp công đoàn, đến thời điểm cuối năm 2022, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN vào khoảng hơn 22.000 tỉ đồng, tương ứng trên 5% tổng số phải thu. Đặc biệt, hiện có khoảng 3.200 tỉ đồng chậm đóng BHXH của gần 30.000 đơn vị, DN phá sản, giải thể hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn. Khoản tiền trên rất khó, hoặc không có khả năng thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 200.000 người lao động (NLĐ).

“Khi DN trốn đóng, chậm đóng BHXH chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Nhưng với những trường hợp đặc biệt trên, NLĐ hết sức là khó khăn bởi họ không chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác - coi như tất cả các chế độ trước đó họ đáng được hưởng đều bằng không” - ông Quảng nhận định.

Ông Quảng cho biết thêm, theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP, ngày 11.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc: Đối với DN đang hoạt động, nếu gặp khó khăn phải chậm đóng BHXH thì có thể đóng riêng cho từng NLĐ để kịp thời giải quyết quyền lợi cho họ như các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất, chốt sổ BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đối với DN phá sản, giải thể, có chủ DN bỏ trốn thì chưa có quy định về việc giải quyết quyền lợi đối với NLĐ, nên hầu như tất cả quyền lợi của NLĐ đang bị “đóng băng”.

Luật BHXH 2014 cần sửa theo hướng linh hoạt

Ông Lê Đình Quảng cho biết, trước đây, Tổng LĐLĐVN đã từng đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định quy định về bảo đảm quyền lợi của NLĐ theo khoản 7, điều 10 Luật BHXH. 

Theo đó, có thể dùng tiền xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN hoặc lấy từ tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm về trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN theo quy định tại khoản 3, điều 122 Luật BHXH 2014 để giải quyết khoản chậm đóng BHXH của các DN này.

Tuy nhiên, vì Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật Ngân sách nhà nước... không có quy định nội dung chi cho các trường hợp này. Do đó, đề xuất của Tổng LĐLĐVN không được chấp nhận.

Đến nay, trước tình hình quyền lợi của hơn 200.000 NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có tác động xấu đến niềm tin của NLĐ về chính sách an sinh xã hội… nên theo ý kiến của ông Quảng thì Tổng LĐLĐVN cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, đề xuất và trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù giải quyết quyền lợi cho NLĐ ở các DN phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn còn chậm đóng tiền BHXH.

Thời gian tới, Luật BHXH 2014 sắp sửa đổi, quan điểm của Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN là Luật BHXH 2014 cần sửa theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, bình đẳng, công khai, hội nhập, theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ. 

Riêng về chế tài, luật phải nâng chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH để tăng tính răn đe, góp phần giảm thiểu tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Còn nhiều vướng mắc khi khởi kiện Doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH

Theo Điều 10 Luật Công đoàn và Điều 14 Luật BHXH thì Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền này thì gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; vướng mắc từ sự bất cập của cả các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn. Về quy định của pháp luật thì còn có sự xung đột, thiếu thống nhất giữa quy định trên với pháp luật tố tụng. Chẳng hạn, muốn khởi kiện thì chủ thể phải là Công đoàn cơ sở và tranh chấp đó phải là tranh chấp lao động tập thể. Tuy nhiên, bản chất của việc DN chậm đóng BHXH là DN chậm đóng từng NLĐ (tranh chấp cá nhân). Vì vậy Công đoàn chỉ có thể nhận ủy quyền của từng NLĐ để đứng ra khởi kiện DN chậm đóng BHXH. Ngoài ra, đối với những DN này khi Công đoàn khởi kiện thành công thì cũng rất khó thi hành án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn