MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khoảng 6.000 công nhân Công ty PoYuen phải ngừng việc trước mắt từ 1.7 đến 31.7 hưởng lương 4,42 triệu đồng/tháng. Ảnh Nam Dương

Các doanh nghiệp sa thải, ngừng việc lao động tập trung ở ngành nghề nào?

ANH THƯ LDO | 06/07/2020 10:41
Lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm và số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường trong 6 tháng đầu năm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, thị trường lao động 6 tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 6 có nhiều biến động. Lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm và số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng trên là do người dân, người lao động vẫn lo ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới chưa được kiểm soát.

Bên cạnh đó, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn khi không có đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải sa thải lao động hoặc tạm ngưng việc.

Tính toán sơ bộ Quý II năm 2020, lực lượng lao động tiếp tục giảm khoảng hơn 1,7 triệu người so với quý trước, xuống mức 53,6 triệu người.

Trong đó, xu hướng giảm ở khu vực thành thị sẽ cao hơn ở khu vực nông thôn, nữ giới sẽ giảm nhiều hơn nam giới.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tình trạng việc làm và thất nghiệp diễn biến phức tạp hơn, khi số lượng lao động có việc làm tiếp tục giảm. Sự suy giảm diễn ra mạnh khi các doanh nghiệp tiếp tục sa thải lao động, tập trung ở một số ngành nghề như ngành về may mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận...

Bên cạnh đó, dự báo số lao động bị thất nghiệp cũng sẽ gia tăng. Ước tính hết quý II năm 2020, số người thất nghiệp tăng lên ở mức khoảng 1,5 triệu người, tăng hơn 200 nghìn người so với quý trước.

Thất nghiệp cũng sẽ tập trung ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp như công nhân kỹ thuật không có bằng, trình độ sơ cấp…

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình kinh tế cũng như lao động - việc làm gặp khó khăn, song vấn đề giải quyết việc làm cũng đã có những tín hiệu khả quan hơn.

Theo tổng hợp từ các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, giải quyết việc làm cho 540 nghìn lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, trong đó riêng tháng 6.2020, 120 nghìn lao động được giải quyết việc làm.

Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)- cho biết, dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ thị trường lao động ở nước ta. Hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động nghỉ việc trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, mỗi tháng, có khoảng 80.000 người lao động quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, ông Trung nhận định, ảnh hưởng dịch COVID-19 đến thị trường lao động ở nước ta còn kéo dài.

"Không chỉ do thiếu nguyên liệu, không tiêu thụ hàng hoá, mà nhiều doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng cho thời kì mới. Vì vậy, thời gian tới đây nhiều doanh nghiệp có thể sa thải số lượng lao động lớn, đặc biệt lĩnh vực gia công, dịch vụ, sản xuất theo chuỗi sẽ bị ảnh hưởng"- ông Trung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn