MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các mức phụ cấp năm 2022 cho công chức, viên chức vùng đặc biệt khó khăn

Bảo Hân (T/H) LDO | 01/09/2022 07:04
Cán bộ, công chức, viên chức công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nhận những khoản phụ cấp gì trong năm 2022? 

Phụ cấp công tác lâu năm 

Điều 5 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

Đối tượng quy định tại Mục 1 được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

- Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;

- Mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;

- Mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.

Phụ cấp thu hút

Tại Điều 4 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về phụ cấp thu hút như sau:

Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 76/2019/NĐ-CP được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm (60 tháng).

Phụ cấp ưu đãi theo nghề

Phụ cấp ưu đãi theo nghề theo quy định tại Điều 11 Nghị định 76/2019/NĐ-CP như sau:

Phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của các đối tượng tại Mục 1, gồm:

- Công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

- Công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước bao gồm:

+ Trạm y tế cấp xã;

+ Trạm y tế cơ quan, trường học;

+ Phòng khám đa khoa khu vực;

+ Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế, Bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các Trạm y tế kết hợp quân dân y.

Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số

Tại Điều 12 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

- Phụ cấp lưu động

Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở.

- Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số

Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Hiện mức lương cơ sở hiện hành theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn