MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều vụ tai nạn trong thi công, xây dựng công trình ở Gia Lai có phần lỗi chủ quan của người sử dụng lao động. Ảnh: Thanh Tuấn

Các vụ tai nạn lao động đẩy công nhân rơi vào túng quẫn

THANH TUẤN LDO | 19/05/2023 10:53

Gia Lai - Nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong quá trình thi công xây dựng công trình do không được trang bị bảo hộ, nhà thầu sơ suất, chủ quan… khiến người lao động bị thương tích nặng, một số người mất khả năng, sức khỏe làm việc và rơi vào túng quẫn.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, tính riêng từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ TNLĐ làm chết 7 người, bị thương nặng 2 người. Trong đó, TNLĐ ngành xây dựng chiếm tỉ lệ 25% trong toàn bộ tổng số các vụ TNLĐ.

Anh Nguyễn Văn Tùng (trú đường Phùng Khắc Khoang, TP Peiku) cho biết: “Cách đây hơn 1 năm, tôi bị ngã giàn giáo từ tầng 2 xuống đất. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng do đầu va vào vật cứng bị chấn thương nặng, gãy tay trái phải phẫu thuật nẹp đinh.

Sau hơn 10 tháng chữa trị, giờ tôi quay lại làm việc nhưng không còn đủ sức khỏe để làm thợ cả mà chỉ làm phụ để có thu nhập trang trải cuộc sống”.

Theo anh Tùng, chủ thầu thỉnh thoảng nhắc nhở anh em tự mua đồ bảo hộ lao động cho mình. Không ai mua cũng không ai sử dụng, chủ thầu cũng không bắt buộc sử dụng.

Vẫn còn đau nhức nhối với các vết thương trên mình, anh Nguyễn Trung (đường Đồng Tiến, TP Pleiku) chia sẻ: “Hơn 2 tháng qua, kể từ khi bị ngã giàn giáo từ tầng 1 xuống, tôi bị vỡ xương mắt cá chân.

Phải trải qua phẫu thuật lắp đinh vít cho ổn định gân chân, đến nay, tôi vẫn chưa đi lại được. Thời điểm bị tai nạn, chủ thầu không hỏi thăm, động viên, hỗ trợ chút ít tiền bạc, trong khi toàn bộ viện phí lên đến gần 20 triệu đồng gia đình tôi tự lo liệu”.

Ông Nguyễn Hữu Tùng - Phó Trưởng Phòng Chính sách lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh - cho hay: TNLĐ trong ngành xây dựng xảy ra do các nguyên nhân chính là người lao động chưa được đào tạo nghề.

Người lao động hầu như không được đào tạo về an toàn vệ sinh lao động và không có trang bị thiết bị bảo hộ lao động. Khi không may xảy ra tai nạn lao động, chủ thầu lại thờ ơ, người lao động phải tự giải quyết, tự bảo vệ tính mạng của mình.

Thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ phối hợp với Sở Xây dựng lập các đoàn thanh kiểm tra thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động, nhắc nhở chủ sử dụng lao động chú ý về an toàn thi công.

Hầu hết lao động làm nghề xây dựng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu để xảy ra TNLĐ thì thiệt thòi lớn nhất người lao động và vợ con họ phải gánh chịu.

Ngoài đánh cược mạng sống trên những công trình xây dựng, người lao động thường không tham gia bất kì chế độ quyền lợi như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm y tế nên khi xảy ra biến cố đã đẩy họ vào tình cảnh bi kịch, túng quẫn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn