MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đăng kí hưởng trợ cấp thất nghiệp, tìm kiếm việc làm. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.

Cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp đơn giản nhất

ANH THƯ LDO | 07/10/2022 21:00
Khi nghỉ việc tại công ty, bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động có một khoản trang trải cuộc sống và được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm, người lao động sau khi nghỉ việc không đương nhiên được lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp mà phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Đã chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.

Đã nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm đúng hạn (trong 03 tháng từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động).

Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm nhưng vẫn chưa tìm được việc làm mới.

Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao  động được tính theo công thức sau:

Trợ cấp thất nghiệp/tháng = 60% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

Trong đó, mức trợ cấp thất nghiệp bị giới hạn mức tối đa như sau: Người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa/tháng = 5 x Lương cơ sở = 5 x 1,49 triệu đồng = 7,45 triệu đồng/tháng.

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp thông thường: Mức hưởng tối đa/tháng = 5 x Mức lương tối thiểu vùng.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

Theo Điều 58 Luật Việc làm năm 2013, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cũng chính là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người đó.

Trong đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bị giới hạn ở mức sau:

Người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất =  20 tháng lương cơ sở.

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp thông thường: Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất =  20 tháng lương tối thiểu vùng.

Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người đó. Cụ thể, Cứ đóng đủ 12 đến 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Cứ đóng đủ thêm 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Tổng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa: Không quá 12 tháng.

Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng mà có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó sẽ được bảo lưu để làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng hưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn