MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Phạm Thị Sen - Trưởng phòng Tổ chức Hành Chính, Bệnh viện 09 (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà

Cải cách tiền lương, bác sĩ mong lương khởi điểm tăng

Thanh Hà LDO | 02/11/2023 14:53

Đội ngũ y bác sĩ mong rằng, với cải cách tiền lương, thu nhập của họ sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, thay vì chật vật như hiện nay.

Đề xuất mức lương khởi điểm tăng

Dự kiến từ ngày 1.7.2024, lương của cán bộ, công chức viên chức sẽ có nhiều thay đổi theo Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương. Hàng triệu công chức, viên chức sẽ có mức lương mới. Trong đó, y bác sĩ là đối tượng khá kỳ vọng vào đợt cải cách tiền lương này.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - cho hay, lương bác sĩ hiện nay quá thấp, không tương xứng với thời gian học tập và chi phí đào tạo.

Để bắt đầu làm việc, một bác sĩ phải mất 6 năm học đại học, sau đó là 18 tháng để có chứng chỉ hành nghề. Thời gian đào tạo dài hơn các ngành nghề khác song họ lại hưởng mức lương khởi điểm tương đương. Chính vì thế, dù có thâm niên 30 năm trong nghề nhưng lương hiện tại của bà Hương là 14 triệu đồng/tháng bao gồm lương, ưu đãi nghề và phụ cấp chức vụ.

Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Thị Sen - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Bệnh viện 09 (Hà Nội) - cũng cho rằng, bác sĩ trẻ đang hưởng mức thu nhập không cao và việc áp dụng một bảng lương chung cho các ngành nghề, bao gồm y tế là không phù hợp. Đồng thời, do mức lương khởi điểm thấp, phụ cấp kéo theo lương cũng thấp, làm tổng thu nhập của ngành Y tế thấp so với mặt bằng chung.

Hồi tháng 7 vừa qua, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Bà Sen cho biết, thu nhập của y bác sĩ tăng trung bình 2-3 triệu đồng/tháng. Dù lương tăng, giá cả không tăng theo. Số tiền trên hỗ trợ thêm trong cuộc sống của nhân viên y tế. Tuy nhiên, để cuộc sống của họ dễ thở hơn thì vẫn chưa.

“Tôi cho rằng nên có một bảng hệ số lương riêng cho ngành Y tế, chứ không phải bảng lương chung cho toàn xã hội như thế” - bà Sen đề xuất.

Theo Nghị quyết 27/NQ-TW, thiết kế bảng lương mới của bác sĩ sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Với cải cách tiền lương này, tiền lương sẽ không được xếp theo thang bảng lương cũ và tăng dần theo thời gian cán bộ, công chức viên chức làm việc. Đặc biệt, lương được xếp theo yêu cầu công việc. Điều đó có nghĩa với một vị trí việc làm nhất định, tiền lương sẽ được ấn định là bao nhiêu và không phụ thuộc vào việc cán bộ, công chức viên chức đó đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm, bao nhiêu năm công tác.

Đội ngũ y bác sĩ mong rằng, với cải cách tiền lương, thu nhập của họ sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Mức lương bác sĩ hiện nay được tính như thế nào?

Theo các quy định hiện hành, mức lương bác sĩ = hệ số lương x mức lương cơ cở.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV quy định về cách xếp lương đối với bác sĩ là viên chức trong các bệnh viện công và Khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng, mức lương bác sĩ hiện nay như sau:

Chức danh nghề nghiệp bác sĩ cao cấp (hạng I), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A3 (nhóm A3.1), từ hệ số lương từ 6,20 đến hệ số lương 8,00 là 11,16 đến 14,4 triệu đồng/tháng.

Chức danh nghề nghiệp bác sĩ chính (hạng II), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương từ 4,40 đến hệ số lương 6,78 là 7,92 đến 12,204 triệu đồng/tháng.

Chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng (hạng III) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 là 4,212 đến 8,964 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn