MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Lê Thị Xuân Phương (bên trái) trong vườn cây được phát triển từ nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Lương Hằng

Cải thiện kinh tế gia đình nhờ nguồn vốn của Công đoàn

Linh Nguyên LDO | 05/01/2022 12:46
Những năm qua đã có hàng chục nghìn đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô được vay vốn từ Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo phát triển kinh tế gia đình (LĐLĐ TP.Hà Nội),  tạo thêm việc làm cho các thành viên.

Hàng chục nghìn người tránh được tín dụng đen

Những đoàn viên được vay vốn từ Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình những năm qua đã lên đến con số hàng chục nghìn người. Trong đó, một số mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, như hộ gia đình đoàn viên Vũ Thị Mậu - CĐCS Trường Mầm non Hồ Tùng Mậu (LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm), mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rau, đã tạo thêm 2 việc làm mới, thu nhập bình quân tăng thêm 5 triệu đồng/tháng. Hộ gia đình đoàn viên Nguyễn Thị Phương Thanh - CĐCS Trường Tiểu học Bồ Đề (LĐLĐ quận Long Biên), mô hình trồng ổi, đã tạo thêm 2 việc làm mới, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng…

Có đoàn viên năm 2019 vay 30 triệu đồng mở cửa hàng sửa chữa xe máy, năm 2021 tiếp tục được Quỹ cho vay thêm 30 triệu đồng để mở rộng quy mô cửa hàng, thu nhập được cải thiện hơn nữa, kinh tế gia đình được nâng cao.

Một trong những điển hình đó là đoàn viên Lê Thị Xuân Phương, giáo viên Trường Mầm non Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ). Chồng chị Phương không có việc làm. Kinh tế gia đình gồm 2 vợ chồng, bố mẹ già và 2 con nhỏ rất eo hẹp, không ổn định. Vì thế chị Phương tính cách sử dụng mảnh đất vườn của gia đình để làm trang trại. Chị vay mượn của người thân, bạn bè để xây dựng cơ sở, chuồng trại. Nhưng chuồng trại xây xong thì không còn vốn để mua con giống. Trong lúc chưa biết xoay sở thêm tiền bằng cách nào thì thông qua Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Sen Chiểu và hướng dẫn của LĐLĐ huyện Phúc Thọ, chị Xuân Phương được Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình cho vay 30 triệu đồng. Với số tiền này, chị Phương mua được gà và lợn giống, bắt đầu “công cuộc” phát triển kinh tế trang trại. Nhờ sử dụng hiệu quả vốn ban đầu, đến nay trang trại của gia đình chị Xuân Phương đã được mở rộng quy mô với nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, nuôi cá. Cách làm này, sau khi trừ chi phí, đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình chị Phương. “Quan trọng là nguồn vốn được giải ngân phù hợp, đúng mục đích sử dụng của người cần vốn nên giúp tạo đà phát triển mạnh hơn. Hơn thế đoàn viên cũng tránh phải tìm đến nguồn vốn không chính thống hoặc thậm chí là tín dụng đen” - chị Phương cho biết.

Linh hoạt tạo điều kiện tốt nhất cho người vay

Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác giải ngân thời điểm từ tháng 5 đến hết tháng 9.2021 được Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình triển khai, tổ chức thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản qua tài khoản người vay vốn. Hình thức này giúp cho việc luân chuyển nguồn vốn bảo đảm hiệu quả, không bị gián đoạn, nguồn vốn thu hồi không bị tồn đọng. Đặc biệt, công tác giải ngân diễn ra tuyệt đối an toàn, đúng đối tượng, quy trình vay vốn từng bước được cải tiến và ngày càng hoàn thiện theo đúng trình tự, thủ tục từ khâu kiểm tra, thẩm định hồ sơ, ký kết hợp đồng cho đến việc tổ chức giải ngân.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình cho biết, hồ sơ, thủ tục vay vốn ngày càng được hoàn thiện, thuận tiện cho người vay vốn. Năm 2021, Quỹ đã giải ngân 71 tỉ 240 triệu đồng triệu đồng cho 2.407 lượt đoàn viên, CNVCLĐ vay vốn. Trong đó, có 1.769 đoàn viên vay 52 tỉ 160 triệu đồng cho mục đích sản xuất - kinh doanh cải thiện thu nhập, 15 người vay 440 triệu đồng để học nghề, tìm việc làm ổn định lâu dài. Ngoài ra, đoàn viên, CNVCLĐ còn vay vốn để sửa chữa, cải tạo nhà, mua sắm phương tiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn