MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng quán đóng cửa trở lại khiến người lao động tự do thất nghiệp. Ảnh: TT

Cấm bán hàng ăn uống tại chỗ, nhiều lao động tự do Đà Nẵng lại thất nghiệp

THUỲ TRANG LDO | 23/06/2021 17:08

Chạy dọc những con đường cà phê tại TP.Đà Nẵng, không dễ để tìm thấy hàng quán treo bảng bán mang đi. Mà dù có mở, họ cũng chỉ có thức uống cơ bản là cà phê các loại. Bởi, phần lớn các quán lớn đều đóng cửa để tiết kiệm chi phí, lao động từ đó cũng mất việc.

Dọn dẹp hàng quán còn sót lại từ hôm thành phố chỉ đạo đóng cửa, Minh Hoàng – nhân viên quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng - cười như mếu: “Tôi đi làm được 10 ngày, đang phấn khởi có công việc trở lại thì dịch bệnh bùng phát. Toàn thành phố chỉ cho phép bán hàng mang đi nhưng với một quán cà phê lớn, thuê ngay trung tâm nên chủ quán đóng hẳn để giảm chi phí điện nước, nhân công. Dù có mở cửa bán mang đi cũng không có nhiều khách. Nhân viên như chúng tôi cũng buộc phải nghỉ việc”.

Hoàng nói thêm, mặc dù cho các hàng quán bán mang đi nhưng các quán cà phê lớn không thể cạnh tranh được với những quầy hàng nhỏ, sát lề đường hay quán xá nhỏ trong ngõ hẻm.

“Người ta đến quán cà phê để có không gian trò chuyện, làm việc chứ không chỉ uống cà phê. Vậy nên đã không được ngồi cà phê thì nếu có nhu cầu uống thì họ sẽ mua chỗ gần cơ quan hoặc làm tại nhà” – Hoàng chia sẻ.

Dạo quanh một vòng các tuyến phố ăn sáng, bán hàng ăn trưa từng rất đông đúc của TP.Đà Nẵng trên đường Hải Phòng, Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, đa số quán xá đều đóng cửa. Một tiệm phở trên đường Lý Tự Trọng trước đây chuyên phục vụ cán bộ, công chức thành phố vì gần ngay toà nhà trung tâm hành chính thì nay cũng sập cửa cài then, để lại mỗi hàng nước mía bán mang đi.

Phố cà phê, ăn sáng, ăn trưa ngay cạnh trung tâm hành chính Đà Nẵng nay đóng của im lìm. Ảnh: TT

Chị Kim Liên, chủ một quán bún bò tại đây cho hay: “Bình thường mỗi ngày tôi bán 25kg bún nhưng khi bán mang về thì lấy 10kg bún cũng bán khó lắm. Đợt dịch trước tôi cũng nghỉ luôn nửa tháng cho khoẻ chứ bày hàng ra mà khách vắng, bán chậm nản lắm”.

Cũng chính vì vậy, số lao động tự do làm việc ở những hàng quán này buộc phải nghỉ việc. Quay lại với cảnh thất nghiệp, nhiều người làm nghề tay trái như chạy xe công nghệ, giao hàng nhưng vì không làm thường xuyên, cạnh tranh cũng khó khăn.

Thu nhập của những nhân viên bán hàng cà phê, thức ăn sáng như Minh Hoàng rơi vào khoảng 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ cho họ trang trải chi phí cơ bản nhưng nay thất nghiệp, họ lại trông nhờ vào bạn bè hay người thân.

Các hàng quán lớn treo biển thông báo nghỉ bán cho đến khi thành phố cho phục vụ tại chỗ trở lại. Ảnh: TT

Minh Hoàng nói: “Chẳng phải ngành du lịch mà ngay cả dịch vụ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là với lao động làm tháng nào cũng chỉ đủ trang trải tháng đó như chúng tôi, thậm chí nhiều lao động tự do không có hợp đồng, chỉ là thuê miệng hoặc hợp đồng kí 3 tháng, 6 tháng mang tính thời vụ.

Chủ hàng quán họ cũng khó khăn nên có muốn hỗ trợ cũng khó. Lúc này, điều mong mỏi nhất là dịch bệnh sớm được kiểm soát, chúng tôi quay trở lại công việc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn