MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động có tay nghề cao sẽ làm chủ được các dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: Linh Nguyên

Cần bắt đầu thay đổi từ giáo dục nghề nghiệp

Linh Nguyên LDO | 02/09/2020 16:59
Việc xây dựng lực lượng công nhân tay nghề cao đang được quan tâm bởi đây chính là cơ sở để nâng cao năng suất lao động. Để có được tay nghề cao, ngoài nỗ lực của bản thân công nhân lao động thì còn cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện và trách nhiệm của các bên liên quan.

Kỹ năng của người lao động đóng vai trò quan trọng

Cty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam hiện có khoảng 4.500 lao động. Sau mỗi đợt tuyển dụng, Cty đều dành thời gian để đào tạo tay nghề cho người lao động (NLĐ) phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của vị trí tuyển dụng. Ông Phan Thanh Hải - Phó Văn phòng Tổng Giám đốc, Chủ tịch CĐ Cty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam - cho biết, định kỳ một năm 2 lần, Cty tổ chức đánh giá tay nghề của các vị trí. Nếu công nhân lao động (CNLĐ) ở vị trí nào không đạt thì được đào tạo lại. Nhưng ở đây, không đạt được, hiểu vị trí đấy có thang bảng chấm điểm là 10 thì NLĐ chưa đạt đến 10 chứ không phải là không đạt yêu cầu để đảm nhận vị trí làm việc đó. Qua đó, NLĐ có hướng phấn đấu.

Từ thực tế, ông Hải cho rằng, năng lực của mỗi công nhân đóng góp đến 70% thành công cho vị trí làm việc đó. Điều này cũng liên quan mật thiết đến năng suất lao động (NSLĐ).

Theo bà Valentina Barcucci - chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO), có nhiều yếu tố giúp cải thiện NSLĐ và trong đó một số yếu tố có liên quan tới quy mô của doanh nghiệp (DN). Chẳng hạn, việc tích lũy thiết bị, cải thiện tổ chức cũng như cơ sở vật chất và việc tạo ra công nghệ mới là những yếu tố giúp tăng năng suất. Và nếu DN có quy mô lớn hơn với điều kiện kinh tế tốt hơn sẽ dễ áp dụng những yếu tố đó hơn.

Kỹ năng của NLĐ cũng đóng vai trò quan trọng. Từng DN nhỏ khó có khả năng đầu tư cho phát triển kỹ năng, tay nghề của NLĐ. Như chúng ta đã nói về thực tế hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, toàn bộ hệ thống này đòi hỏi cần có sự cải thiện trong câu chuyện tăng năng suất này. Một trụ cột nữa đảm bảo cải thiện năng suất là sức khỏe của NLĐ, điều kiện làm việc tốt và phúc lợi trong lao động.

Gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

ILO nhận định Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến NSLĐ thấp. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, NSLĐ thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam để sẵn sàng cho một giai đoạn mới dựa trên nền tảng khoa học công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng còn nhiều bất cập, khi nhân lực được qua đào tạo có tỉ lệ thất nghiệp cao, trong khi các DN lại thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Đối với CNLĐ, để có lực lượng tay nghề cao, giáo dục nghề nghiệp phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo được NLĐ tương lai có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh.

Điều đặc biệt quan trọng là phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần” và hướng tới chỉ đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong DN để chia sẻ các nguồn lực chung: Cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và DN; giữa đào tạo và sử dụng nhân lực qua đào tạo vẫn còn rất “lỏng lẻo”, chưa trở thành “trách nhiệm xã hội” của các DN.

Các chuyên gia cho rằng, để giáo dục nghề nghiệp phát triển, cần bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề; phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các DN trong nước và nước ngoài; nâng cao tính dự báo, cần hiểu, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của DN và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác DN, nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn