MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều cán bộ, công chức mong muốn tính lương theo năng lực, thành tích đạt được. Ảnh: Trần Vương.

Cán bộ, công chức mong thay đổi đột phá khi cải cách tiền lương 2024

Mạnh Cường - Phương Minh LDO | 12/02/2024 06:00

Lương điều chỉnh 6 tháng 1 lần, trả theo năng lực, thành tích nổi bật, có thêm phụ cấp, thưởng Tết tháng 13 chính là những thay đổi đột phá mà cán bộ, công chức mong mỏi khi cải cách tiền lương từ 1.7.2024.

Với mức lương 4,6 triệu đồng/tháng, anh Văn Tú (34 tuổi) - cán bộ tư pháp - hộ tịch xã tại tỉnh Hà Nam - cho rằng khá thiệt thòi. Một phần vì lương tăng rất chậm sau 3 năm gắn bó, phần nữa theo anh Tú không xứng đáng với những công sức bỏ ra.

“Đến hiện tại, tôi đã làm việc tại cơ quan xã được hơn 3 năm nhưng lương chỉ tăng 1 triệu đồng/tháng. Lương của tôi không đủ để nuôi gia đình” - anh Tú nghẹn ngào.

Chia sẻ về cách tính lương của cán bộ khối Nhà nước hiện tại, anh Tú cho rằng, những người làm việc như anh muốn bứt phá cũng khó. Vì chỉ cần làm ổn định, không bị kỷ luật là tự khắc được tăng lương mỗi khi lương cơ sở tăng.

Do đó, để cải cách tiền lương mang tính đột phá, anh Tú mong muốn lương tính theo năng lực. Sau 6 tháng tổng kết các thành tích, kết quả công việc của mỗi người rồi sau đó đề xuất mức lương mới phù hợp với từng cá nhân. Theo anh Tú, cách tính này sẽ thôi thúc mọi người sáng tạo, hăng say hơn trong công việc đồng thời phù hợp với sự leo thang của giá cả thị trường.

“Tôi có rất nhiều sáng kiến hữu ích giúp công việc đạt hiệu quả cao hơn mong đợi nhưng phần thưởng nhận lại khá hụt hẫng, chỉ được vinh danh hoặc thưởng vài trăm nghìn đồng. Một, hai lần không sao nhưng nhiều lần khiến tôi cảm thấy công sức không được đền đáp tương xứng” - anh Tú cho hay.

Vì thế, vị cán bộ xã mong bỏ hẳn cơ chế trả lương theo hệ số, tăng theo quy định của Nhà nước. Thay vào đó, anh Tú mong muốn lương tính theo chức vụ, khả năng của mỗi người, không thấp hơn mức hiện hưởng. Sau cải cách, anh Tú hy vọng tiền lương sẽ đạt trên 5 triệu đồng/tháng. Đồng thời, anh tự tin bản thân có thể có thể tăng thêm ít nhất 500.000 - 1 triệu đồng/năm theo cách tính đề xuất.

Chị Trần Thị Ngát (30 tuổi, Hà Nam) - công chức tài chính - kế toán xã - cũng đồng tình với quan điểm tiền lương tính theo năng lực. Bên cạnh đó, chị Ngát mong muốn có thêm một số khoản phụ cấp đặc biệt giống như nhiều lao động khối ngoài Nhà nước khác.

“Nhìn công nhân, dân văn phòng ở doanh nghiệp có phụ cấp xăng xe, phụ cấp chuyên cần, tôi nghĩ đến mà chạnh lòng. Hai khoản này chúng tôi gần như không có mặc dù đi làm đủ 22 - 23 công/tháng, nhà cách cơ quan gần 8km. Tính riêng xăng xe, mỗi tháng cũng đã tiêu tốn 300.000 đồng rồi” - chị Ngát cho hay.

Ngoài ra, theo chị Ngát, những lúc kiêm nhiệm nhiều việc, làm đến 19h tối hoặc chủ nhật cũng cần có tiền hỗ trợ, tăng ca. Để mỗi lần về nhà muộn hoặc phải làm cuối tuần, chị không thấy thiệt thòi đến mức có suy nghĩ nghỉ việc.

Với thưởng Tết, chị Ngát cho rằng, tại sao cũng phục vụ cho sự nghiệp chung nhưng thưởng Tết lại chỉ dựa vào ngân sách còn lại của cơ quan mỗi lần tổng kết cuối năm.

Như Tết Nguyên đán 2024, chị Ngát chỉ được thưởng Tết 500.000 đồng, thậm chí năm trước đó chỉ được 200.000 đồng hoặc mỗi gói quà. Chị Ngát mong muốn được thưởng Tết tháng 13 như các lao động ngoài Nhà nước, dù ít cũng mong được 1 tháng lương cơ sở, tức 1,8 triệu đồng.

Theo tinh thần Nghị quyết 27, tiền lương cán bộ, công chức cấp xã khi thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ ngày 1.7.2024 sẽ thực hiện theo công thức:

Lương cán bộ, công chức = Lương cơ bản + phụ cấp (nếu có) + tiền thưởng (nếu có). Trong đó: Lương cơ bản: chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương. Các khoản phụ cấp: chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.

Tiền thưởng: Quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn