MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Quế Chi

Cán bộ, công chức, viên chức đang rất kỳ vọng vào thời điểm cải cách tiền lương

NHÓM PV LDO | 23/05/2024 19:34

Ngày 23.5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận tại tổ về vấn đề kinh tế xã hội. Nhiều ý kiến về vấn đề cải cách tiền lương được nêu ra tại cuộc thảo luận.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Quang Minh (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công đang rất kỳ vọng vào thời điểm ngày 1.7.2024 - thời điểm tiến hành cải cách tiền lương.

“Trong thời gian vừa qua, cán bộ trẻ lương thấp nên có hiện tượng chảy máu chất xám ở lĩnh vực công. Vì vậy, họ rất kỳ vọng vào cải cách tiền lương trong thời gian tới” - đại biểu Trần Quang Minh cho biết.

Bên cạnh đó, đại biểu Minh cũng cho rằng, cần xem lại môi trường làm việc ở khu vực công. "Vừa qua đã ban hành các quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…, nhưng cần phải xem lại môi trường làm việc trong khu vực công. Bên cạnh đó, cần đánh giá hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực cho cán bộ nhiệt huyết vì công việc chung", ông Minh nhấn mạnh.

Cùng đề cập đến vấn đề này, ĐBQH Đồng Ngọc Ba - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, Chính phủ cần có đánh giá, thống kê sâu hơn với các báo cáo nêu về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.

Theo vị này, cần đánh giá thực trạng một cách định lượng, từ đó đưa ra giải pháp, xử lý nghiêm theo Luật Cán bộ, công chức thì mới có sự chuyển biến.

Ông Ba cho rằng, trường hợp đơn vị nào có cán bộ công chức vi phạm thì cũng phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.

Vị đại biểu này cho biết thêm, vừa qua, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã nỗ lực xây dựng, cơ cấu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm, đúng người đúng việc, rõ quy trình, song thực tế vẫn tồn tại bất cập.

"Vị trí việc làm phù hợp là tiền đề cho cải cách tiền lương, theo Nghị quyết 27. Nếu cải cách tiền lương trên nền vị trí việc làm chưa đảm bảo chất lượng, sẽ không đảm bảo về dài hạn", ông Ba nói và nêu rõ thực tế tại nhiều cơ quan, đơn vị có đề án vị trí việc làm, nhưng tỉ lệ lãnh đạo, quản lý vẫn rất cao, cần phải cân đối giữa người làm chuyên môn và lãnh đạo.

Còn ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho biết, hiện tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn diễn ra, cần có giải pháp khắc phục.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cần tổ chức triển khai thực hiện tốt vấn đề bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.

Trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

"Nghị định 73 này là một văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng, nhưng trong thời gian tới, tôi đề nghị luật hóa quy định này để có cơ sở, khung pháp lý chặt chẽ, hiệu lực cao hơn để đảm bảo cán bộ có thể phát huy được sự năng động, dám nghĩ dám làm, vì lợi ích chung" - ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn