MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô Nguyễn Thị Phượng luôn cải tiến trong phương pháp giảng dạy để học sinh dễ nắm bài hơn. Ảnh: NVCC

Cán bộ công đoàn cơ sở cải tiến phương pháp giảng dạy cho học sinh

Đỗ Phương LDO | 10/06/2020 08:13
Cô Nguyễn Thị Phượng - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên - đã đưa ra phương pháp cải tiến trong cách dạy giúp học sinh có hứng thú hơn trong học tập.

Được biết, cô Phượng được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Điện Biên đề xuất lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen về điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020.

Cô Phượng chia sẻ, là một giáo viên giảng dạy, cô luôn đổi mới tư duy, tích cực học hỏi tự hoàn thiện các kỹ năng của một người giáo viên. Nắm vững các phương pháp dạy học tích cực theo phương châm lấy người học làm trung tâm, cô cũng luôn tìm những lời giảng sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Theo cô Phượng, những năm gần đây, đổi mới giáo dục đang được toàn xã hội quan tâm. Trong đó, trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học là thay đổi lối dạy truyền thụ một chiều sang lối dạy tích cực có sự hướng dẫn giúp đỡ của người dạy, nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, độc lập suy nghĩ của học sinh.

“Dạy học tích hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục nhằm rèn luyện và phát triển kỹ năng tư duy, phân tích tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa cho người học. Quan điểm dạy học tích hợp là một định hướng trong đổi mới trong giáo dục, một bước chuyển từ cách tiếp cận nội dung giáo dục sang tiếp cận năng lực nhằm đào tạo con người có tri thức mới, năng động, sáng tạo khi giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Chính vì vậy, tôi đã nêu ra sáng kiến kinh nghiệm “Một số kinh nghiệm dạy học liên môn tích hợp trong môn Vật lý lớp 7” để môn Vật lý trở nên gần gũi với học sinh hơn, mỗi tiết học đều đem lại sự hứng thú ham mê tìm hiểu kiến thức ở mỗi học sinh và kết quả giáo dục đạt được hiệu quả hơn. Nội dung này được tôi cùng các đồng nghiệp áp dụng dạy trong các tiết học Vật lý của trường” - cô Phượng bày tỏ.

Vui mừng với kết quả của phương pháp cải tiến giảng dạy, cô Phượng nói: “Sau khi áp dụng sáng kiến vào thực tiễn, học sinh của tôi nhiệt tình, sôi nổi, mạnh dạn hơn trong tiết học, nắm chắc kiến thức, chịu khó tìm tòi, học hỏi hơn. Biết cách kết hợp linh hoạt các nội dung kiến thức với nhau, xâu chuỗi các bộ môn đã học giúp các em có những hiểu biết toàn diện hơn. Các em cũng đoàn kết hơn trong học tập và các hoạt động”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn