MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ nhất, khoá XIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Hải Nguyễn

Cán bộ Công đoàn cơ sở phải truyền thông được về hoạt động của đơn vị mình

Kiều Vũ - Hải Nguyễn LDO | 20/12/2023 17:16

Hà Nội – Chiều 20.12, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ nhất, khoá 2023 - 2028, Tờ trình Dự thảo chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028 do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày có nêu những điểm mới của Chương trình giai đoạn 2023-2028.

Tờ trình nêu rõ Chương trình có Bố cục gồm 4 mục: Mục tiêu, chỉ tiêu; Nội dung và đối tượng; Nhiệm vụ và giải pháp; Tổ chức thực hiện. Trong từng mục đều có các tiểu mục. Một số điểm mới của Chương trình là xây dựng 6 nhóm chỉ tiêu. Phân khúc đối tượng truyền thông nhằm đẩy mạnh truyền thông nội bộ và truyền thông bên ngoài để tạo sức mạnh tổng hợp.

Hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp tiếp cận theo hướng: truyền thông nâng cao nhận thức; truyền thông nhận diện hình ảnh; truyền thông chính sách và truyền thông chính trị.

Trong đó, xác định đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong công tác truyền thông công đoàn; xây dựng hệ thống báo chí, xuất bản và các kênh truyền thông nội bộ của công đoàn đủ mạnh để chủ động thông tin đến đoàn viên, người lao động; tăng cường nguồn lực cho công tác truyền thông công đoàn.

Đặc biệt, lần đầu tiên đưa việc “Nâng cao năng lực tiếp cận thông tin cho đoàn viên, người lao động” trở thành một nhiệm vụ giúp cho đoàn viên, người lao động có kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin; ứng xử/ tương tác với các nguồn tin, hiểu về các khía cạnh đạo đức, pháp luật của việc khai thác, sử dụng thông tin.

Về tổ chức thực hiện: Điểm mới là thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình do đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn làm Trưởng ban và một số thành viên, giúp Đoàn Chủ tịch triển khai, đôn đốc thực hiện Chương trình; Xác định vị trí, việc làm đối với công tác truyền thông ở cấp Trung ương và cấp địa phương, ngành.

Cho ý kiến nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động đề nghị cần tranh thủ các cơ quan truyền thông bên ngoài hệ thống để truyền thông cho tổ chức Công đoàn.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển cho biết, theo thống kê của Báo Lao Động, trên Trang Công đoàn toàn quốc của Báo Lao Động có sự tham gia của 82 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành, ngành (đã có 3.200 tin, bài). Các tin, bài này đa phần chỉ là viết tin, trong khi hiện nay công nhân lao động thường tiếp cận thông tin qua hình thức video.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Hiển, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt cán bộ Công đoàn cơ sở phải viết được về mình, về những cách làm hay, cách làm mới của đơn vị. Để làm được điều này, cần có sự tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở kỹ năng viết, làm video.

Thời gian qua, Báo Lao Động đã (và sẽ) cử phóng viên đến các Liên đoàn Lao động địa phương để tập huấn, hướng dẫn kỹ năng viết tin bài, làm video cho cán bộ Công đoàn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Hiển đề nghị cần tổ chức các buổi đi thực tế ở cơ sở, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp có đông công nhân lao động để nội dung truyền thông về Công đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ dừng ở thông tin hội nghị, hội thảo mà phải mang hơi thở cuộc sống.

Cũng về nội dung này, ông Nguyễn Đức Thịnh – Trưởng ban Đối ngoại đề cập đến nội dung truyền thông về thông tin đối ngoại.

Ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất cần đổi mới đa dạng phương tiện truyền thông để khảo sát phương tiện nào hiệu quả thì phát huy…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn