MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội nghị tập huấn. Ảnh: Lương Hạnh.

Cán bộ công đoàn đề nghị quy định cụ thể thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp

LƯƠNG HẠNH LDO | 02/11/2023 21:07

Chiều 2.11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) khai mạc Hội nghị tập huấn, đối thoại về pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thực hiện dân chủ cơ sở và lấy ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) khu vực phía bắc.

Có tình trạng thực hiện luật "chống đối"

Tại buổi tập huấn, Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động. Trong quá trình thực hiện Nghị định 59 về việc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc đã gặp một số khó khăn, vướng mắc.

“Nghị định 59 của Chính phủ không ghi rõ những vấn đề về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở có tiếp tục thực hiện theo Nghị định 145 hay không? Chính phủ hướng dẫn thực hiện dân chủ cơ sở trong các xã, phường, thị trấn mà không có hướng dẫn thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp FDI…” – đại diện LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc nêu.

Cũng theo đại diện LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc, đa số các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc đều hỏi đến việc hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở từ Chính phủ, Nhà nước Việt Nam mà không thực hiện hướng dẫn của tổ chức công đoàn.

“Thực tế, một số doanh nghiệp đều thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách chống đối "qua mắt" đơn vị đối tác. Vì vậy, khi có Nghị định 59 chúng tôi rất vui mừng vì đã có hướng dẫn để làm việc với chủ sử dụng lao động, yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện nhưng đọc mãi không có hướng dẫn việc thực hiện trong các doanh nghiệp” – đại diện LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc thắc mắc.

Ông Vũ Hồng Quang – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật – Tổng LĐLĐVN giải đáp: Điều 82 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là điều rất quan trọng. Đó là điều thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

"Khoản 1 và Khoản 2 Điều 82 của Luật đã nêu rất rõ vấn đề này. Ngoài ra, quay trở lại bộ luật lao động, Nghị định 145, Nghị định 41 để thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp không phải doanh nghiệp Nhà nước" - ông Quang chia sẻ.

Bộ luật ý nghĩa và cần thiết với hoạt động công đoàn

Cũng tại Hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thông tin về 4 nhóm chuyên đề tập huấn, đối thoại. Trong đó có: Kỹ năng công đoàn tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; một số nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Luật Công đoàn; các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Từ những thảo luận đó, tổ chức công đoàn sẽ tiến hành kiến nghị, góp ý với Quốc hội và cơ quan liên quan.

“Việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được Tổng LĐLĐVN xác định là một trong những phương thức bảo vệ người lao động từ xa và có hiệu quả. Do vậy, trong những năm qua, tổ chức công đoàn hết sức quan tâm lĩnh vực này, trang bị cho cán bộ công đoàn những kiến thức, kỹ năng tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh nội dung của Hội nghị tập huấn hết sức quan trọng để tổ chức Công đoàn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là bộ luật ý nghĩa và cần thiết với hoạt động công đoàn, phát huy vai trò của công đoàn trong việc tham gia quản lý Nhà nước, tham gia kiểm tra và nâng cao, thực hiện dân chủ cơ sở. Luật này đã ghi nhận rất nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của tổ chức công đoàn; trong đó có việc tổ chức hội nghị đối thoại; hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị người lao động…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn